Khai mạc Diễn đàn quốc tế về khoa học cơ bản mũi nhọn

  •  
  • 227

Những kết quả nghiên cứu mới nhất về Vật lý, Khoa học trái đất và không gian, Toán học sẽ được công bố tại Diễn đàn quốc tế về khoa học cơ bản mũi nhọn, diễn ra từ 27 đến 29/9 tại Hà Nội. Tham dự có hơn 300 nhà khoa học từ hơn 10 quốc gia vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Diễn đàn lần này do Đại học Osaka (Nhật Bản) và Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức, hướng tới kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. Hơn 200 báo cáo khoa học sẽ tập trung trao đổi các vấn đề như vật liệu nano, các cảm biến và ứng dụng, vật liệu từ đặc biệt, vật lý chất rắn, vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao, thiên văn học, vật lý hạt nhân và hạt cơ bản, động đất, phát triển bền vững, viễn thám, toán học...

Giáo sư Nguyễn Hoàng Lương, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng chủ tịch Diễn đàn nhận định, đây là dịp tốt để các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản (đặc biệt là Đại học Osaka) gặp gỡ, trao đổi khả năng hợp tác. Hiện đã có một số dự án được đề xuất, như Dự án hợp tác giữa Trung tâm khoa học vật liệu của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) với phòng thí nghiệm nano của Khoa Vật lý, Đại học Osaka và một đại học của Anh.

Cũng theo ông Lương, tại Diễn đàn, Việt Nam sẽ giới thiệu một số kết quả nghiên cứu mới, như vật liệu từ đặc biệt và vật liệu bán dẫn đặc biệt.

Trong những thập niên gần đây, sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, đặc biệt là các ngành cơ bản mũi nhọn đã tạo tiền đề cho hàng loạt khám phá mới, mang tính đột phá, tạo nên diện mạo mới cho khoa học nói chung. Chính vì vậy, các nghiên cứu thuộc những lĩnh vực này đang trở thành một trào lưu mới, như một cuộc cách mạng trong khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt ở các nước tiên tiến như Nhật Bản.

T. An

Theo VnExpress
  • 227