Tái chế màn hình LCD thành chất diệt khuẩn

  •  
  • 1.085

Màn hình LCD cũ, hỏng đang là gánh nặng về rác thải điện tử, nhưng các nhà khoa học đã xử lý chúng thành chất diệt vi khuẩn gây hại nhờ thành phần Polyvinyl-alcohol (PVA) có trong màn hình.

Trên thế giới hiện nay, có khoảng hơn hai tỉ màn hình LCD đang dần bị hỏng. Vai trò cuối cùng của chúng là tham gia vào cộng đồng rác thải điện tử, một trong những yếu tố làm trầm trọng sự ô nhiễm môi trường. Trong màn hình LCD có nhiều chất độc hại như chì, cadium, thủy ngân.

Chỉ một số ít màn hình được người dân ở các quốc gia đang phát triển chiết xuất thành những kim loại quý, đem bán để kiếm thu nhập.

Các nhà nghiên cứu hiện nay đang tìm kiếm những cách thức tái chế rác thải điện tử khác nhau, trong đó có màn hình LCD. Tại nhiều phòng thí nghiệm, họ cố gắng tìm ra hữu dụng của rác thải điện tử hay sử dụng một số thành phần nhất định để biến tảo thành nhiên liệu sinh học. 

Chất PVA trong màn hình LCD có thể diệt nhiều loại vi khuẩn có hại.

Nghiên cứu mới của khoa Hóa học, ĐH York đã tìm ra cách thức để biến các màn hình LCD cũ, hỏng thành loại chất có khả năng phá hủy nhiều loại khuẩn lây nhiễm như Escherichia coli, Staphylococcus auresus và một vài loại vi khuẩn nguy hiểm khác. Nhân tố trong màn hình LCD giúp nó tiêu diệt vi khuẩn là chất Polyvinyl-alcohol (PVA).

Ông Andrew Hunt, trưởng nhóm nghiên cứu đã thực hiện quy trình xử lý như sau: làm lạnh và nung nóng PVA, tách nước với ethanol. Sau đó, họ thêm vào một chút phân tử bạc nhằm tăng cường đặc tính chống khuẩn của loại chất liệu tạo thành. Sản phẩm cuối cùng có thể sử dụng như một giải pháp dùng trong bệnh viện nhằm giảm sự lây nhiễm vi khuẩn.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đề cập đến khả năng sử dụng chúng trong thuốc và đồ băng bó được thiết kế đặc biệt để truyền vào những phần khác nhau của cơ thể con người.

Tuy nhiên, Hunt và đồng sự cần nghiên cứu kỹ hơn, đặc biệt là đảm bảo việc sử dụng các phân tử bạc thích hợp cho các ứng dụng điều trị sức khỏe con người. Nếu thành công, phương pháp này sẽ góp phần giảm sự gia tăng đến chóng mặt của rác thải công nghiệp.

Nguồn: Discovery

Theo Báo Đất Việt
  • 1.085