Tai đất Aeginetia - Loài thực vật chuyên đi ăn bám

  •  
  • 1.501

Khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống rừng mưa nhiệt đới, loài thực vật họ gừng Zingiberaceae bắt đầu đâm chồi, nảy lộc tưng bừng. Chúng đâu biết rằng mai đây sẽ phải nai lưng nuôi những vị khách không mời, cứ dai dẳng bám vào "hút máu".

>>> Chim tu hú - Bà mẹ bạc tình và đứa con sát thủ

Cùng lúc đó, những cơn gió mạnh của mùa mưa đủ sức phá vỡ chiếc túi hạt giống đang "ngủ khô" của loài tai đất Aeginetia sp. Hàng triệu hạt giống nhỏ li ti được đựng trong đó bắt đầu bung ra cuốn theo dòng nước, rồi bám víu vào những mảnh thực vật họ gừng chết khô và chờ đợi sự hồi sinh một cuộc đời mới.

Chúng sẽ bắt đầu ra hoa, thụ phấn, để đời sau hữu thụ và để ăn bám vào những chất hữu cơ mục nát, những mô tế bào của nhà họ gừng Zingiberaceae, sau khi một phần cây gừng già đã hoàn tất sứ mệnh và từ giã thế gian.


Tai đất ấn Aeginetia indica. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Những cơn mưa liên tục giúp họ nhà gừng tươi tốt, nhưng cũng đủ để có độ ẩm duy trì dưới mặt đất giúp cho phần già nua của chúng mau chóng mục nát. Chỉ chờ có vậy, loài tai đất Aeginetia sp. bắt đầu làm cho hạt giống li ti nảy mầm lớn lên rất nhanh.

Những chiếc vẩy được hình thành mọc đối sát gốc. Vì không thể sản sinh, tổng hợp được chất diệp lục, nhà tai đất chỉ biết sống nhờ. Khi chiếc rễ dài ra đủ lớn và khoẻ mạnh, chúng tấn công vào các tế bào sống của cây gừng và hút các chất hữu cơ từ thân thể của họ nhà gừng như một kẻ "ăn bám". Những cây gừng bắt đầu vật lộn để vừa nuôi sống mình vừa nuôi sống vị khách không mời kia.

Không chỉ họ gừng Zingiberaceae, mà họ cỏ Poaceae cũng là vật ký chủ của kẻ ăn bám thượng hạng trên. Loài tai đất Aeginetia sp. không dại gì hút hết các chất dinh dưỡng từ cây chủ để cả hai cùng chết mà nó làm cho cây chủ sống lay lắt, héo mòn và còng lưng nuôi mình cho đến khi chúng ra hoa, thụ phấn.

Cứ thế, suốt cuộc đời loài tai đất Aeginetia sp. chỉ biết chờ đợi. Chúng mong mùa mưa mới đến, để hàm ơn những cơn gió và hy vọng có một vài loài ký chủ dại khờ nào đó sống gần dòng nước.

Do có nhiều dược tính trong y học cổ truyền, tai đất đang bị con người tiêu diệt vì mục đích làm thuốc. Chúng bị khai thác cạn kiệt và môi trường sống của các loài ký chủ cũng bị con người khai thác quá mức khiến cho cuộc đời của loài này ngày càng trở nên mỏng manh hơn.


Tai đất Aeginetia pedunculata. (Ảnh: Phùng Mỹ Trung)

Nhận dạng những kẻ "ăn nhờ ở đậu" thế nào? Loài tai đất ấn Aeginetia indica là cây thảo nhẵn cao 3-6cm, không phân nhánh, vẩy hẹp, nhọn, nằm ở gốc thân, thường mọc đối. Cán hoa của loài mảnh, cao 15-35cm và chỉ mang một hoa ở ngọn. Hoa của loài thường nở vào tháng 8-9 và cho quả vào tháng 10-11. Cây thường mọc trên các trảng cỏ và ký sinh trên cây họ cỏ Poaceae, họ gừng Zingiberaceae ở độ cao 700-1.100m khắp Việt Nam.

Tai đất Aeginetia pedunculata sống ký sinh chủ yếu trên các loài thực vật thuộc họ cỏ Poaceae, họ gừng Zingiberaceae và thường sống ở độ cao thấp hơn so với loài tai đất ấn. Chúng có thân màu vàng nhạt, vảy mọc đối, tập trung nhiều ở gốc và cán hoa cao đến 15cm.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Vnexpress
  • 1.501