Tại sao không gọi la bàn là kim chỉ bắc?

  •   4,84
  • 8.380

Nếu đặt ở bất cứ đâu, chiếc kim la bàn cũng quay về hướng bắc. Thế nhưng người Việt lại gọi nó là kim chỉ nam.

Khi nói về một vấn đề quan trọng có ý nghĩa chiến lược lâu dài, chúng ta thường dùng từ kim chỉ nam, chẳng hạn: "Lời nguyện ước thiết tha của người cha lúc nào cũng như kim chỉ nam để anh vượt qua mọi gian khổ". Lối nói hình tượng này được xây dựng từ một vật dụng khá quen thuộc trong đời sống, đó là la bàn.

(Ảnh: Smartstart-toys.co.uk)La bàn là một dụng cụ gồm kim nam châm có hai cực bắc - nam quay tự do quanh một trục. Do ảnh hưởng của từ trường trái đất mà dù đặt ở bất cứ đâu song song với trái đất, chiếc kim từ tính kia cũng quay về hướng bắc, từ hướng bắc sẽ tìm ra hướng nam, sau đó là đông và tây. La bàn thường có hai kim trái chiều và để phân biệt, người ta thường sơn bằng hai màu khác nhau.

Với chức năng như vậy, la bàn là dụng cụ định hướng không thể thiếu cho những người đi rừng, đi biển hay đi vào vùng xa lạ hoang vắng dễ lạc đường. Người châu Âu trước kia hay dùng la bàn một kim, chỉ hướng Bắc (có lẽ do các thủy thủ, ngư dân thường có hành trình về Bắc Cực). Nhưng tại sao người Việt Nam lại gọi nó là kim chỉ nam mà không phải kim chỉ bắc?

La bàn được người Trung Quốc phát minh từ thế kỷ 1. Theo giáo sư Nguyễn Thạch Giang, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã tận dụng triệt để tính năng này của la bàn. Các đoàn quân từ thời nhà Tần cho đến sau này vẫn có thói quen bành trướng lãnh thổ bằng các cuộc hành trình bình định về phương Nam. Mỗi đạo quân đều có một la bàn thô sơ với chiếc kim chỉ nam sơn đỏ chói. Vậy là các tướng sĩ nhất tề phi ngựa nhằm hướng nam thẳng tiến. Bất luận thế nào, cuộc chinh phục cũng chỉ nhìn về một phía đó thôi. Đây có lẽ là cơ sở chính làm nên ngữ nghĩa hàm ẩn cho cụm từ "kim chỉ nam" trong tiếng Việt.

Theo Khoa Học & Đời Sống
  • 4,84
  • 8.380