Tại sao thằn lằn “chống đẩy”?

  •   3,73
  • 1.871

Thằn lằn tập luyện vì lý do giống như một chàng trai đến phòng tập thể hình: phô bày sức mạnh. Đối với thằn lằn, hay đàn ông cũng vậy, hành động chống đẩy hay tập luyện đồng nghĩa với lời cảnh báo: “hãy biến khỏi lãnh thổ của ta”.

Nghiên cứu mới phát hiện rằng một số con thằn lằn thực hiện thói quen buổi sáng và chiều tố để phô bày sức mạnh.

Các con thằn lằn đực Jamaica thuộc bốn loài khác nhau chào buổi sáng bằng một màn chống đẩy thật lực, đầu cúi gập và vành da sặc sỡ ở cổ mở rộng. Chúng lặp lại hành động này vào lúc choạng vạng tối.

Theo Terry J. Ord - nhà nghiên cứu bậc sau tiến sĩ tại Bảo tàng động vật học thuộc đại học Havard và đại học Califonia, Davis - các loài động vật khác, từ chim đến bò sát hay linh trưởng, đánh dấu bình minh và hoàng hôn bằng nhiều âm thanh khác nhau. Nhưng đây là lần đầu tiên mà một loài có biểu hiện quan sát được nhằm đánh dấu lãnh thổ của chúng. Nghiên cứu được trình bày chi tiết trên tạp chí American Naturalist.

Ord cho biết: “Thằn lằn là một loài vật có thị giác nhạy, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng đánh dấu lãnh thổ bằng cách thể hiện như trên. Tuy vậy, phát hiện này rất đáng ngạc nhiên vì chúng là loài vật đầu tiên không sử dụng âm thanh vào bình minh và chiều tối”.

Lãnh thổ của ta

Thằn lắn cái chiếm những vùng lãnh thổ nhỏ để tìm kiếm thức ăn và các nhu cầu khác. Những con đực chiếm những vùng lãnh thổ rộng hơn, trong đó chúng có cơ hội gần gũi với một số con cái. Con đực sử dụng hầu hết thời gian trong ngày nằm trên cây thực hiện màn “thể dục” của mình để cảnh báo những con đực khác.

Ord nói: “Giống như người, nếu một con thằn lằn chống đẩy giỏi, điều đó cho thấy anh chàng có tình trạng thể chất rất tốt. Màn thể hiện sức mạnh này giúp nó tránh những cuộc chạm trán dữ dội và khốc liệt giữa những con thằn lằn đực”.

Thằn lằn bụng opan (Anolis opalinus) trên dãy núi Blue, phía Bắc Kingston, Jamaica. Giống như những con thằn lằn khác, con đực “chống đẩy” suốt cả ngày, nhưng mạnh mẽ nhất vào bình minh hoặc lúc hoàng hôn. (Ảnh: Terry J. Ord/ Đại học Havard và Đại học Califonia, Davis)

Ord đã quay phim một số con đực tại nhiều thời gian trong ngày, từ trước khi bình minh cho đến lúc chiều tà. Ông phát hiện rằng chúng hoạt động mạnh mẽ nhất vào lúc tảng sáng và trong khoảng 2 tiếng sau đó, và lặp lại trước khi trời tối.

Ord cho biết: “Tập tính này tương đương với dàn hợp xuống lúc bình minh và chập tối của các loài động vật liên lạc bằng âm thanh”.

Các nhà điểu cầm học có những ý kiến trái ngược về lý do tại sao chim hót vào buổi sáng và chiều tối. Đó có thể là sự bảo vệ lãnh thổ hoặc truyền đạt điều gì đó về môi trường của mình. Ord nhận định nghiên cứu của ông cho thấy sự phô diễn vào tảng sáng của thằn lằn đực trước hết là để đánh dấu lãnh thổ.

Này, con người!

Bất cứ ai quan sát một con thằn lằn chống đẩy có thể băn khoăn rằng liệu có phải chúng đang cố gắng dọa người quan sát, hoặc họ chỉ tình cờ có mặt vào đúng thời điểm. Ord cho rằng giả thuyết thứ hai có vẻ đúng.

Ông phát biểu trên LiveScience: “Chúng ta chỉ tình cờ có mặt khi chúng đang thực hiện bài trình diễn của mình. Loài vật này thường phô diễn ngay cả khi không có con thằn lằn nào khác xung quanh. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng có một con thằn lằn khác sau vai bạn mà bạn không nhìn thấy, và đó mới chính là đối tượng mà chúng hướng đến”.

Tuy nhiên, hành động chống đẩy cũng có thể là tín hiệu gửi đến chúng ta, Ord giải thích.

Linh dương cũng thường để cho kẻ săn mồi biết rằng chúng biết tỏng mình đang bị theo dõi, giống như muốn nói rằng: “Này anh bạn, chả còn chút ít bất ngờ nào đâu. Tôi đang sung sức, và tôi sẽ trốn thoát nếu anh manh động”.

Ord giải thích: “Trong trường hợp của linh dương, kẻ săn mồi (ví dụ như sư tử) từ bỏ việc rình rập chúng. Một số người cho rằng đó cũng có thể là lý do tại sao thằn lằn “phô diễn” với chúng ta, mặc dù điều này vẫn chưa được khẳng định chắc chắn”.

Trà Mi (Theo LiveScience)
  • 3,73
  • 1.871