Tê giác ở vườn Quốc gia Cát Tiên đang bị đe dọa

  •  
  • 842

Hôm qua, 1-7 là thời điểm dự kiến hoàn thành hồ sơ đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên (VQGCT) là di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng cho đến nay, tình hình xâm hại VQGCT vẫn chưa được ngăn chặn, giải quyết dứt điểm.

Tê giác một sừng ở VQG Cát Tiên.

Tê giác một sừng ở VQG Cát Tiên
(Ảnh bẫy của Tổ chức WWF chụp
được vào năm 1999)

Kết quả khảo sát mới nhất của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã xác định "bộ sưu tập" của VQGCT có đến 1.610 loài thực vật (thuộc 724 chi, 162 họ), trong đó có 176 loài cây gỗ lớn, 345 loài cây bụi, 238 loài dây leo và sở hữu gần 1.490 loài động vật, trong đó có 103 loài động vật quý hiếm như tê giác Java, bò rừng, cá sấu nước ngọt, gõ đỏ, hạc cổ trắng, gà so cổ hung...

Với những con số giá trị như thế, VQGCT được đánh giá là khu vực có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú nhất của Việt Nam. Nguồn tài nguyên phong phú về thực vật, động vật, cùng với yếu tố cảnh quan, VQGCT là một "bảo tàng" quan trọng dành cho các nhà khoa học tự nhiên.

Tuy nhiên, "kho báu" Cát Tiên dường như đã không được quan tâm giữ gìn, bảo vệ đúng mức. Vào đầu tháng 6 năm nay, trong một báo cáo nhanh gửi lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ông Trần Văn Mùi - Giám đốc VQGCT đã viết: "Điểm nóng phá rừng đang xảy ra ở hai thôn 3 và 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng. Các vụ phá rừng đều có tổ chức, khu vực bị phá nằm trong phần lõi của vườn quốc gia. Tại khu vực tiểu khu 499 và 500, một vùng tre nứa, lau sậy, lồ ô bị phát ngổn ngang. Chỉ còn những thân cây gỗ lớn là chưa bị đốn...".

Ông Lưu Văn Hào - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQGCT - xác nhận: "Chỉ trong tháng 5-2006, tại thôn 3 xã Phước Cát 2, diện tích rừng bị chặt phát lên đến 26,1271ha rừng lồ ô và lồ ô xen gỗ, trong đó phát trắng 20,1272ha và phát luổng (chưa chặt hạ cây gỗ) là 6ha. Tại thôn 4 xã Phước Cát 2, người dân còn phát rừng để mở tuyến đường (rộng 1,5m dài 3,5m) chạy ngang qua rừng đặc dụng...".

Các chuyên gia của WWF Đông Dương cũng tỏ ra lo ngại. Ông David Murphy cho biết: "Từ năm 1999, sau khi khẳng định sự hiện hữu tại Cát Tiên loài tê giác Java, được coi là một trong số những động vật hiếm nhất trên trái đất, VQGCT đã nhận được sự chú ý của cả thế giới. Đã có dự án bảo tồn những con tê giác hiếm hoi của Việt Nam, cũng là một trong hai quần thể tê giác còn lại duy nhất trên hành tinh này.

Nhưng cho đến nay, theo báo cáo mới nhất thì sau sáu năm triển khai dự án, số tê giác sống sót tại VQGCT chỉ còn bảy con. Chúng ta đã có dự án dành 5.000ha làm môi trường sống cho loài tê giác và khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng trong thực tế, đất sống và tính mạng tê giác luôn bị đe doạ bởi những người nhập cư không có đất đai, những kẻ khai thác gỗ và săn bắn trái phép...".


Đó là kết quả của việc chậm trễ trong dự án di dời dân cư ra khỏi diện tích của vườn.

Những lo ngại về tác động môi trường nói trên cần được chính quyền, các tổ chức khoa học tập trung giải quyết nhanh. Bởi phiên họp của Hội đồng Di sản quốc gia tại VQGCT ngày 21.5 đã thống nhất chủ trương lập hồ sơ khoa học để sớm trình UNESCO công nhận VQGCT là di sản thiên nhiên thế giới, trong đó yếu tố văn hoá là nội dung bổ trợ.

Theo Nhân dân, Lao động
  • 842