Thảm vi khuẩn khổng lồ trong lòng đại dương

  •  
  • 2.297

Các nhà khoa học quốc tế điều tra sự sống trong các đại dương vừa phát hiện một thảm vi khuẩn khổng lồ trong lòng đại dương rộng 130.000km2 ở ngoài khơi bờ biển Chile và Peru.

Các thảm vi khuẩn nhỏ hơn được phát hiện ngoài khơi bờ biển Tây Namibia, miền Nam châu Phi và hiện có thể mở rộng khu vực cư trú ra khắp các đại dương của thế giới.

Các chuyên gia trong Chương trình điều tra sự sống trong các đại dương, chương trình hợp tác khoa học quốc tế lớn nhất với hơn 2.000 nhà khoa học của 80 nước tham gia, cho biết các vi khuẩn khổng lồ được phát hiện từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nhưng vào thời điểm đó ít nhà khoa học tin rằng vi khuẩn có thể dài 2-7cm, đủ lớn để nhìn được bằng mắt thường.

Các vi khuẩn này sinh sôi rất mạnh nhờ khí độc hydrogen sulphide tại các vùng nước ở độ sâu 50-100 mét dưới mặt nước biển, nơi không có hoặc có rất ít khí ôxy.

Vi khuẩn khổng lồ này có thể đã là chủ của các đại dương thời kỳ Đại nguyên sinh cách đây từ 2,5 tỷ năm đến 600 triệu năm, thời kỳ các đại dương không có ôxy hòa tan. Các hoá thạch vi khuẩn của thời kỳ này rất giống với các vi khuẩn mới được phát hiện.

Các nhà khoa học xác nhận môi trường axít đang tăng lên ở các đại dương do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu có thể tác động đến các hệ vi khuẩn.

50 năm trước, trong 1 lít nước biển chứa khoảng 100.000 tế bào vi khuẩn nhưng hiện nay trong 1 lít nước biển hoặc 1 gam bùn ở đáy biển đã chứa tới hơn 1 tỷ vi sinh vật.

Các nhà khoa học thuộc chương trình nghiên cứu trên cũng xác nhận mối liên hệ giữa địa bàn sống của loại vi khuẩn khổng lồ nói trên với sản lượng hải sản đánh bắt. Chúng có thể đóng vai trò quan trọng tạo ra các ngư trường cực kỳ giàu có và phong phú hải sản.

Khoảng 50% sản lượng cá của thế giới được đánh bắt ở các ngư trường ngoài khơi bờ biển phía Tây của Nam Mỹ, nơi có thảm vi khuẩn khổng lồ này./.

Theo Vietnam+
  • 2.297