Tháp Eiffel bất ngờ chuyển qua màu xanh vì biến đổi khí hậu

  •  
  • 1.514

Đây là một phần trong những nỗ lực ủng hộ việc phủ xanh Trái Đất nhân dịp Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra tại Paris.

Hưởng ứng chiến dịch chống biến đổi khí hậu - Tháp Eiffel đổi màu xanh

Dĩ nhiên, công trình tráng lệ này không hề chuyển qua một màu sắc nào đó do ảnh hưởng của thời tiết. Đây là một phần trong những nỗ lực ủng hộ việc phủ xanh Trái Đất nhân dịp Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra tại Paris. Ngoài ra, dự án này cũng kêu gọi những người quan tâm đến vấn đề môi trường hãy ủng hộ tiền để tiến hành việc bổ sung cây xanh cho hành tinh của chúng ta.

Tháp Eiffel bất ngờ chuyển qua màu xanh vì biến đổi khí hậu
Tháp Eiffel chuyển màu xanh.

Với tên gọi "Một trái tim, một cây mới" - "1 Heart 1 Tree", dự án này được phát triển bởi nghệ sĩ Naziha Mestaoui, ngoài ra còn có sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon, và nữ diễn viên đoạt giải Oscar 2007 - Marion Cotillard. Trong chiến dịch kéo dài 1 tuần này, người dùng điện thoại thông minh sẽ có cơ hội trồng một "cây ảo" bằng chính nhịp tim của họ và điều đặc biệt là mỗi "cây ảo" sẽ được gắn với bằng một cây thật được trồng mới trên Trái Đất, những cây mới này sẽ được gắn chip theo dõi đặc biệt và đồng bộ hóa với smartphone của những người tham gia. Từ đó, chủ nhân của cây có thể theo dõi sự tăng trưởng của nó cho dù họ ở bất cứ đâu trên Trái Đất. Rừng cây thật sẽ được trồng tại Australia, Brazil, Senegal, Ấn Độ, Pháp, Peru và Bờ Biển Ngà từ năm 2016.

Tháp Eiffel bất ngờ chuyển qua màu xanh vì biến đổi khí hậu

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã bắt đầu cuộc họp khổng lồ của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào ngày 29/11 vừa qua, sớm hơn dự kiến 1 ngày, song phiên khai mạc chính thức với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia vẫn được tổ chức vào ngày 30/11 như dự kiến. Trong 2 tuần đàm phán tại Paris, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải thương lượng để đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tín hiệu tích cực tại Hội nghị năm nay là gần như tất cả các nhà lãnh đạo đến dự hội nghị Paris đều đã vạch ra kế hoạch quốc gia chống biến đổi khí hậu sau năm 2020.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 29/11, 48 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ cần khoảng 1.000 tỷ USD từ 2020 đến 2030 để thực hiện mục tiêu giảm khí thải và ứng phó với các hiệu ứng thời tiết xấu của việc biển đổi khí hậu. Hội nghị COP21 lần này sẽ phải làm rõ trách nhiệm đóng góp của các nước giàu, với mục tiêu huy động ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2020 cho Quỹ Khí hậu Xanh.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.514