Thấy Vạn lý trường thành từ vũ trụ: Viễn tưởng?

  •  
  • 14.626

Trong một thời gian dài, người ta vẫn tin rằng Vạn Lý Trường Thành là công trình kiến trúc trên Trái đất có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Tuy nhiên, mới đây, với lời khẳng định hoàn toàn ngược lại, các nhà khoa học đã khiến cho niềm tự hào của người dân Trung Quốc không còn được trọn vẹn.

>>> Người Anh phát hiện phần mới của Vạn Lý Trường Thành

Hãy bắt đầu với Mặt trăng, nơi quay quanh Trái đất ở khoảng cách trung bình 370.000km. Nhìn từ Mặt trăng, Trái đất như một quả bóng nhỏ màu xanh và trắng, đôi khi có thêm những mảng màu vàng, nâu hoặc xanh lá cây nếu nhìn qua các đám mây. Ngay cả vào ngày quang đãng, không mây, con mắt của các phi hành gia cũng chỉ có thể lờ mờ nhận thấy những nơi rộng lớn như bán đảo Ả Rập với chiều dài 1.900km và rộng 2100km. Trong trường hợp bạn có một chiếc kính thiên văn hoặc thị lực đôi mắt gấp 17.000 lần bình thường thì Vạn Lý Trường Thành, với chiều rộng khoảng 6 mét, cũng chỉ như một con giun đất.

Đó là Mặt trăng, còn tại các khu vực khác trong không gian thì sao? Ranh giới giữa khí quyển và không gian - đường Karman - nằm ở độ cao 100km so với bề mặt Trái Đất. Tại đây, bầu khí quyển mỏng đến nỗi nó hầu như không tồn tại, khiến máy bay bình thường không thể nào hoạt động vì nó không đạt được tốc độ đủ để có lực nâng khí động học. Trong khi đó, các quỹ đạo thấp nhất được chụp lại bởi tàu vũ trụ và vệ tinh (chẳng hạn như Trạm vũ trụ quốc tế) còn cao hơn nhiều, tới 400km. Vậy người ta làm thế nào để nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành ở khoảng cách “khủng” này?

Bạn có nhìn thấy Vạn lý trường thành trong bức ảnh chụp khu vực Mông Cổ được gửi về từ Trạm vũ trụ quốc tế?
Bạn có nhìn thấy Vạn lý trường thành trong bức ảnh chụp khu
vực Mông Cổ được gửi về từ Trạm vũ trụ quốc tế? (Ảnh: NASA)

Một số ý kiến cho rằng có thể được nhưng chỉ với điều kiện không khí và ánh sáng hoàn hảo. Mặc dù Vạn Lý Trường Thành dài ít nhất 8850km nhưng nó không liên tục mà bị ngắt quãng dọc theo địa hình từng khu vực. Vật liệu tạo nên bức tường thành khổng lồ này cũng không nổi bật, bao gồm chủ yếu là đá và đất sét.

Ngay cả phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc bay vào không gian năm 2003, Yang Liwei, cũng phải thừa nhận không thể nhìn thấy biểu tượng vĩ đại của quốc gia và giải thích rằng có thể các tầng khói ô nhiễm lan rộng khắp Trung Quốc là nguyên nhân che khuất tầm nhìn. Nhưng theo Norberto López-Gil, một giáo sư về khoa học tầm nhìn tại Đại học Murcia, Tây Ban Nha, việc quan sát những bức tường từ không gian là điều mắt người không thể làm được, vượt quá giới hạn vật lý của các tế bào hình nón nằm ở võng mạc.

Nếu nhìn được Vạn lý trường thành từ trong quỹ đạo, bạn cũng có thể thấy nhiều công trình xây dựng khác của con người như đường cao tốc, cầu, đập nước, sân bay thậm chí cả ánh đèn thành phố vào ban đêm. Chẳng cần các nhà khoa học phải lên tiếng thì chúng ta cũng đều tự hiểu rằng đây chắc chắn là điều viễn tưởng.

Vậy tại sao ngày nay, rất nhiều người vẫn tin rằng niềm tự hào của Trung Quốc - Vạn Lý Trường Thành - hoàn toàn có thể nhìn thấy từ không gian? Sự nhầm lẫn này có khả năng phát sinh từ những bức ảnh độ phân giải cao trong quá trình được thu nhỏ, cắt và xử lý.

Theo Báo Đất Việt, Lifeslittlemysteries
  • 14.626