Thí nghiệm thảm họa tại vườn thú Ấn Độ

  •   4,36
  • 3.028

21 con sư tử đang chết dần chết mòn trong một vườn thú ở phía bắc Ấn Độ sau khi một thí nghiệm cho giao phối chéo nhằm tăng sức hấp dẫn của vườn thú đã mắc sai lầm nghiêm trọng.

Vào những năm 1980, các quan chức vườn thú Chhatbir ở thành phố Chandigarh đã cho giao phối những con sư tử châu Á nuôi nhốt với một cặp sư tử châu Phi từng làm xiếc, và cho ra đời một loài lai. Vài năm sau đó, người ta phát hiện ra công trình này không thành công.

Hai con sư tử lai ốm yếu trong khu dưỡng lão tại vườn thú Chhatbir.

Hai con sư tử lai ốm yếu trong khu dưỡng lão tại vườn thú Chhatbir. (Ảnh: Reuters, VNE)

Lũ sư tử lai bước đi rất khó khăn, khi chạy thường bị tụt lại bởi chân sau của chúng rất yếu. Và vào giữa thập niên 1990, loài mèo lớn này - có tuổi thọ 20 năm trong điều kiện nuôi nhốt - đã bộc lộ những triệu chứng suy giảm hệ miễn dịch.

Đến năm 2000, khi chương trình giao phối này kết thúc, và những con sư tử đực đã được thắt ống dẫn tinh để ngừng khả năng sinh sản, thì dân số sư tử lai trong vườn thú đã lên đến 70-80 con.

Đến nay, quần thể của chúng đang từ từ thu nhỏ lại, một phần vì bệnh tật, phần khác chết vì những vết thương mà đồng loại của chúng gây ra.

Các quan chức cho biết họ đang chờ cho quần thể này "triệt thoái" hoàn toàn trước khi bắt đầu nhân giống sư tử châu Á thuần chủng.

"Song chúng tôi vẫn nỗ lực để giúp chúng chết một cách nhẹ nhàng", một quan chức vườn thú cho biết. "Chúng tôi tạo mọi điều kiện để chúng sống hạnh phúc trong những năm cuối đời. Một số con sư tử già thậm chí còn được nuôi bằng những khúc thịt đã rút xương".

Năm ngoái vườn thú đã mở một khu khoanh nuôi đặc biệt, cách xa với khu vực bảo tồn chính, nơi mà những con sư tử quá yếu ớt có thể tự bảo vệ được mình. Nó được mệnh danh là "nhà dưỡng lão".

Sư tử châu Á hiện chỉ còn tìm thấy ở Ấn Độ. Có khoảng 300 cá thể như vậy sống trong công viên quốc gia Gir ở bang miền tây Gujarat. Vào giữa thế kỷ 20, dân số của chúng còn chưa đầy 15 con do bị săn bắn. Nay, số lượng đang tăng dần sau một chương trình nhân giống được thực hiện tại khu bảo tồn Gir trong thập kỷ 1960.

T. An

Theo IOL, Vnexpress
  • 4,36
  • 3.028