Thiên thạch kỳ lạ tự chia đôi

  •   4,73
  • 2.257

Các nhà khoa học vừa phát hiện một thiên thạch trẻ nhất từng được biết đến trong Hệ Mặt trời, thiên thạch này rất kỳ lạ khi tự chia đôi mình rồi phát triển ra hai chiếc đuôi riêng giống sao chổi.

Cặp thiên thạch này được gọi là P/2016 J1, được phát hiện vào năm 2016. Là dạng thiên thạch không phổ biến lắm trong vành đai tiểu hành tinh của Hệ Mặt Trời, chúng được hình thành sau khi thiên thạch gốc bị vỡ ra làm đôi do bị va chạm với một thiên thể khác, hoặc do tự mất cân bằng so với quỹ đạo ban đầu.

Phát hiện mới được thực hiện bởi quan sát tại Kính viễn vọng lớn của đảo Canary và Kính viễn vọng Canada-Pháp-Hawaii tại đảo núi lửa Mauna Kea thuộc quần đảo Hawaii.

Hình ảnh quan sát hai mảnh của thiên thạch P/2016 J1 (được ký hiệu là J1-A và J1-B) vào ngày 15/5/2016 vừa qua.
Hình ảnh quan sát hai mảnh của thiên thạch P/2016 J1 (được ký hiệu là J1-A và J1-B) vào ngày 15/5/2016 vừa qua. Nó có lõi đá rắn và chiếc đuôi khí bụi. (Ảnh: IAA-CSIC).

"Chúng tôi đã phát hiện thiên thạch này khi nó chưa vị vỡ ra vào 6 năm trước đây, khiến nó trở thành thiên thạch trẻ nhất từng được biết đến trong Hệ Mặt trời" - Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà nghiên cứu Fernando Moreno công tác tại Viện Vật lý thiên văn Andalusia ở Tây Ban Nha, cho biết.

Ngoài ra, sau khi bị vỡ đôi, thiên thạch này còn có thể tự phát triển đuôi riêng từ bụi khí cho mỗi một nửa của mình. Điều này thường gặp ở các sao chổi với lõi băng hơn là ở các thiên thạch với lõi bằng đất đá.

"Cả hai mảnh thiên thạch đều tạo thành một chiếc đuôi, nghĩa là nó có cấu trúc lõi bên trong tương tự như sao chổi. Đây là lần đầu tiên chúng ta quan sát một cặp thiên thạch với sự phát triển đồng thời ở cả hai", Moreno cho biết.

Khi nghiên cứu P/2016 J1, các nhà thiên văn phát hiện rằng cặp thiên thạch bắt đầu hình thành đuôi từ cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi chúng đến điểm cận nhật – là điểm mà quỹ đạo của nó gần Mặt Trời nhất. Chúng vẫn duy trì việc hình thành đuôi từ sáu đến chín tháng sau đó, rồi sau cùng là bị tách làm đôi.

Kính Viễn vọng Không gian Hubble chụp hai mảnh thiên thạch P/2013 P5 với chiếc đuôi dài.

Kính Viễn vọng Không gian Hubble chụp hai mảnh thiên thạch P/2013 P5 với chiếc đuôi dài. Các nhà thiên văn cho biết trường hợp của P/2016 J1 cũng tương tự như thế. (Ảnh: NASA/ESA).

"Trong thực tế, dữ liệu quan sát về vòng quay quỹ đạo trước của nó (thiên thạch này có quỹ đạo quanh Mặt Trời mỗi 5,65 năm một vòng) cho thấy sự phân mảnh cũng đã diễn ra từ khi nó gần đến điểm cận nhật", đại diện Viện nghiên cứu Andalusia cho biết.

Mặc dù cả hai mảnh thiên thạch đều không có sự liên kết lực hấp dẫn với nhau, nhưng chúng đều có quỹ đạo chuyển động quanh Mặt Trời tương tự nhau.

P/2016 J1 có quỹ đạo giống hầu hết những thiên thạch trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, nghĩa là nó sẽ khó có cơ hội đến gần Mặt Trời để tạo thành đuôi như các sao chổi.

"Thay vào đó, quan sát mới đây cho thấy việc tạo thành chiếc đuôi khí bụi là do sự thăng hoa (sự chuyển đổi từ dạng rắn thành dạng khí) của băng giá bên trong lõi bị rơi ra ngoài trong lúc bị phân chia làm đôi", Moreno giải thích.

Cập nhật: 13/03/2017 Theo khampha
  • 4,73
  • 2.257