Thợ ướp xác Ai Cập quên đồ nghề trong não người chết

  •  
  • 3.984

Các nhà khoa học tìm thấy công cụ mà người Ai Cập cổ đại sử dụng để moi não người chết trong một xác ướp phụ nữ có niên đại khoảng 2.400 năm.

Công cụ moi não, do nhóm nghiên cứu của Đại học Dubrava tại Croatia tìm thấy, có chiều dài khoảng 8cm. Người xưa đã khoan một lỗ trên xương sàng (gần mũi) rồi nhét công cụ vào não người chết qua lỗ đó. Nhóm nghiên cứu cho rằng, có thể một thợ ướp xác đã quên công cụ trong não người chết, hoặc công cụ gãy trong quá trình người thợ moi não, Livescience đưa tin.

Xác ướp mà Đại học Dubrava nghiên cứu đang được trưng bày trong Bảo tàng Khảo cổ Croatia. Đó là thi thể của một phụ nữ chừng 40 tuổi. Người ta đưa xác tới Croatia vào thế kỷ 19. Ngày nay không ai biết xác từng nằm ở đâu tại Ai Cập và nguyên nhân khiến người phụ nữ chết.

Que mà thợ ướp xác Ai Cập cổ đại sử dụng để moi não hiện ra trong ảnh chụp cắt lớp hộp sọ của xác ướp trong Bảo tàng Khảo cổ Croatia.
Que mà thợ ướp xác Ai Cập cổ đại sử dụng để moi não hiện ra trong
ảnh chụp cắt lớp hộp sọ của xác ướp trong Bảo tàng Khảo cổ Croatia.

Moi não ra khỏi hộp sọ là một thủ tục cần thiết trong quá trình ướp xác của người Ai Cập. Một nhà văn Hy Lạp từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên từng mô tả quy trình ướp xác của người Ai Cập xưa như sau:

"Sau khi thỏa thuận giá, thân nhân của người chết ra ngoài. Những thợ ướp xác ở lại để thực hiện công việc của họ. Nếu thực hiện công việc theo quy trình hoàn hảo nhất, họ phải moi não qua hai lỗ mũi bằng một móc sắt và bơm một số loại thuốc vào hộp sọ".

Tuy nhiên, vật mà các nhà khoa học tìm thấy trong hộp sọ xác ướp lại không phải là móc sắt mà chỉ là que gỗ. Nhóm nghiên cứu đoán rằng người xưa dùng que gỗ do họ không có nhiều tiền.

"Mọi người đều biết ướp xác là một tập tục phổ biến trong nền văn minh Ai Cập cổ đại. Nhưng người xưa phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền vào quy trình ướp xác người thân. Vì thế một bộ phận người Ai Cập cổ không có đủ tiền để mua những vật dụng theo yêu cầu của nhóm thợ ướp xác. Dùng que gỗ thay cho móc sắt là một trong những cách để giảm chi phí của những người nghèo", nhóm nghiên cứu lập luận.

Theo VNE, Livescience
  • 3.984