Thói quen "rởm đời" của các thiên tài trong lịch sử

Thói quen kỳ lạ của các thiên tài trên thế giới
  •   4,86
  • 23.518

Albert Einstein khỏa thân đi lại trong nhà, Nikola Tesla lau thìa 18 lần mới dùng bữa, Charles Dickens chải đầu hàng trăm lần mỗi ngày... là những thói quen "quái lạ" của các thiên tài.

Ít ai ngờ rằng, nhiều nhà văn, nhà chính trị gia, nghiên cứu khoa học lại có một số thói quen kỳ lạ giúp họ nảy sinh nhiều ý tưởng sáng giá. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nhà văn Mỹ - Jack Kerouac phải tìm đến men rượu để “giải phóng tâm hồn”, tạo nguồn cảm hứng văn chương hay nhà thơ Thomas Stearns Eliot còn có thói quen bôi phấn lên mặt và tô son màu xanh lá cây; Friedrich von Schiller tìm ý thơ từ mùi táo thối.

Câu hỏi nhiều người thắc mắc là những thói quen kỳ lạ này tạo nên các thiên tài, hay chính cái “tài” đã tạo nên cái “tật” khác thường ở những con người đó. Cùng điểm lại một vài thói quen quái gở của các thiên tài qua bài viết dưới đây.

1. Tiểu thuyết gia Charles Dickens - chải đầu hàng trăm lần mỗi ngày

Được mệnh danh là một trong những cây bút vĩ đại nhất thời nữ hoàng Victoria, tiểu thuyết gia người Anh - Charles Dickens (1812 - 1870) sở hữu không ít những thói quen kỳ lạ. Một nhân viên tiết lộ rằng, Charles không thể chịu được việc tóc tai “mất trật tự”, chính vì vậy ông luôn phải để một chiếc lược ngay gần và chải đầu hàng trăm lần mỗi ngày.

Tiểu thuyết gia Charles Dickens

Bên cạnh đó, ông còn có thói quen đi đi lại lại trong khi sáng tác và đọc cho thư ký chép lại. Sau đó, hai người còn phải nghiền ngẫm từng câu nhiều lần, thay từ cho phù hợp và đổi thứ tự các từ trong câu trước khi bắt tay vào viết tiếp.

Các chuyên gia nghiên cứu đời sống và công việc của Dickens cho rằng trường hợp của ông là biểu hiện nhẹ của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, nặng hơn còn là chứng động kinh.

2. Nhà sáng chế Thomas Edison - ngủ nhiều giấc mỗi ngày

Trước khi trở thành các cộng sự nghiên cứu của Thomas Edison (1847 - 1932), họ đã phải trải qua một vòng phỏng vấn gắt gao, đó là ăn một bát súp dưới dự quan sát của nhà sáng chế tài năng này. Ông sẽ theo dõi xem họ có cho thêm muối vào súp trước khi ăn hay không.

Nhà sáng chế Thomas Edison

Edison sẽ lập tức loại ngay những người cho muối dù chưa nếm thử tí nào. Theo ông, bài kiểm tra này nhằm loại bỏ những thí sinh mới bắt đầu nhưng đã đưa ra quá nhiều giả thuyết.

Edison còn cố gắng giảm thiểu những nhu cầu thiết yếu hết sức có thể, ví dụ như việc ngủ. Ông chia giấc ngủ của mình ra thành nhiều lần ngủ ngắn để có thêm thời gian tỉnh táo làm việc.

Khác với người bình thường ngủ từ 6-8h liên tục, ông lại chia thành nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày
Khác với người bình thường ngủ từ 6-8h liên tục, ông lại chia thành nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày

Chu kỳ ngủ chia làm nhiều giai đoạn (polyphasic sleep) là phương pháp dành cho những người muốn có thêm thời gian thức để làm những công việc khác, nhờ vậy sẽ tăng được năng suất công việc. Ngoài Thomas Edison, thiên tài Leonardo Da Vinci cũng áp dụng phương pháp ngủ này.

3. Nhà phát minh Nikola Tesla - lau thìa với 18 chiếc khăn tay mới ăn

Nikola Tesla (1856 - 1943) là cha đẻ của hơn 300 phát minh như nam châm điện, radio, động cơ không đồng bộ… Tesla thường bắt đầu làm việc vào lúc 3h sáng và tiếp tục cho tới 11h đêm.

Nhà phát minh Nikola Tesla

Thói quen này đã khiến ông bị suy nhược ở độ tuổi 25. Tuy nhiên, ông nhanh chóng phục hồi và tiếp tục chế độ sinh hoạt này cho tới khi về già, làm việc suốt 38 năm không ngừng nghỉ.

Bên cạnh đó ông còn sống độc thân và làm bạn với chim bồ câu. Telsa còn có những nỗi sợ thầm kín, đó là phụ nữ thừa câncác loại trang sức (đặc biệt là ngọc trai).

Ông sợ những phụ nữ quá cân
Ông sợ những phụ nữ quá cân.

Hơn thế, ông còn không dám bắt tay vì sợ vi khuẩn. Mỗi khi dùng bữa, nhà phát minh này phải lau sạch dao, dĩa và thìa với đúng 18 chiếc khăn tay làm từ vải lanh rồi mới yên tâm thưởng thức bữa ăn của mình.

4. Bác sĩ Sigmund Freud - kết bạn với "nàng tiên nâu"

Bác sĩ tâm lý và thần kinh người Áo - Sigmund Freud (1856 - 1939) đã mang đến những hiểu biết sâu sắc về tiềm thức con người. Thông qua đó, ông cũng giúp các nhà tâm lý học có được cách thức tiếp cận bệnh nhân một cách dễ dàng hơn. Nhưng ít ai biết rằng, tật xấu của con người tưởng như hoàn hảo này chính là nicotine và cocaine.

Ông bắt đầu nghiện các chất kích thích này từ rất sớm và hút liên tục. Người bạn thân và cũng là bác sĩ của Freud đã cảnh báo ông rằng, việc hút xì gà hàng ngày có thể gây ra chứng rối loạn nhịp tim hết sức nguy hiểm.

Bác sĩ Sigmund Freud - kết bạn với "nàng tiên nâu"

Freud đã cố cai nghiện nhưng lại sớm rơi vào tình trạng trầm cảm. Ông đã từng chia sẻ: “Ngay sau khi bỏ thuốc, tim tôi thậm chí còn tệ hơn hồi dùng, tâm trạng thì không lúc nào được yên vì những hình ảnh chết chóc, tiễn biệt cứ lặp đi lặp lại”.

Cuối cùng, Freud lại phải trở về với “nàng tiên nâu” và đã từng hút một liều lượng lớn cocaine. Ông thậm chí phải trải qua 33 cuộc phẫu thuật miệng và hàm để loại bỏ tế bào ung thư nhưng vẫn dành những lời ca ngợi tốt đẹp cho thứ “vật chất kỳ diệu” này.

5. Nhà văn Honore de Balzac - uống 50 cốc cà phê mỗi ngày

Nhà văn hiện thực Pháp - Honore de Balzac (1799 – 1850) có niềm đam mê với cà phê lớn tới mức một ngày ông có thể uống tới 50 cốc và hiếm khi chợp mắt trong quá trình sáng tác bộ tiểu thuyết “Tấn trò đời”.

Thậm chí ông còn dành một bài báo để ca ngợi “vẻ đẹp” của cà phê bằng thứ văn xuôi hoa mỹ và đầy chất thơ: “Thứ cà phê này rót vào dạ dày bạn và ngay lập tức tạo nên một chấn động. Các ý tưởng bắt đầu hành quân như tiểu đoàn trong một trận chiến”.

Nhà văn Honore de Balzac - uống 50 cốc cà phê mỗi ngày

Honore de Balzac gọi cà phê là “thứ sức mạnh lớn lao trong cuộc đời”, nhờ có thức uống này mà ông có thể sóng sót với lịch làm việc “chết người”: đi ngủ lúc 6h tối, dậy lúc 1h và làm việc đến 8h sáng, sau đó chợp mắt một lúc trước khi tiếp tục viết 7 tiếng.

Ông uống rất nhiều để duy trì tốc độ công việc và thậm chí còn ăn bột cà phê trong khi dạ dày đang rỗng. Kết quả là Honore de Balzac đã viết được 85 cuốn tiểu thuyết trong vòng 20 năm và qua đời ở độ tuổi 50.

Nhiều người suy đoán cái chết của ông là do lao lực và uống quá nhiều cà phê, trong khi có những giả thuyết cho rằng ông qua đời vì bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.

6. Tiến sĩ Yoshiro Nakamatsu - ý tưởng xuất hiện khi não thiếu dưỡng khí

Tiến sĩ Yoshiro Nakamatsu - ý tưởng xuất hiện khi não thiếu dưỡng khí

Trong 74 năm cuộc đời của mình, tiến sĩ Yoshiro Nakamatsu đã sở hữu 3.300 bằng sáng chế, nổi tiếng nhất trong số đó là đĩa mềm. Rất nhiều sản phẩm của Nakamatsu đã được khai sinh trong hoàn cảnh ông suýt chết đuối. Nhà sáng chế lỗi lạc này tin vào lợi ích của việc thiếu dưỡng khí khi con người ở dưới nước.

Ông cho biết: “Để não thiếu dưỡng khí, bạn cần phải lặn thật sâu và khoảng 1,5 giây trước khi chết, tôi có thể hình dung ra một phát minh mới”. Sau đó ông viết ý tưởng này vào giấy chống thấm nước rồi bơi lên.

Thêm một chìa khóa dẫn đến thành công của Nakamatsu là lên ý tưởng trong một căn phòng lát đầy vàng 24kara. Theo ông, lớp vàng này có thể ngăn được sóng vô tuyến và radio “có hại cho quá trình sáng tạo”.

7. Nhà toán học Pythagoras ghét đậu

Nhà toán học Pythagoras.
Nhà toán học Pythagoras. (Ảnh: Prezi.com)

Được mệnh danh "cha đẻ của ăn chay", nhà toán học Hy Lạp Pythagoras hoàn toàn không ăn thịt, chỉ ăn rau. Tuy nhiên, thiên tài này lại không có tình yêu với các loài cây họ đậu. Ông từ chối ăn những thứ liên quan đậu, thậm chí cấm các học trò của ông ăn hoặc động vào chúng.

Không ai biết rằng liệu những ác cảm này có xuất phát từ lý do sức khỏe hay niềm tin tôn giáo nào của Pythagoras không. Nhưng chính ác cảm này đã gây ra cái chết của nhà toán học thiên tài.

Theo các tài liệu, những kẻ tấn công phục kích Pythagoras nhưng ông thà chết chứ không chạy qua một cánh đồng trồng đậu.

8. Albert Einstein khỏa thân đi lại trong nhà

Nhà bác học thiên tài Albert Einstein.
Nhà bác học thiên tài Albert Einstein. (Ảnh: Quotesgram.com)

Thời còn nhỏ, Einstein là đứa trẻ khờ khạo, chậm nói. Mặc dù vậy, sau này, nhà bác học lại cho rằng sự phát triển chậm chạp giúp ông có nhiều cơ hội để suy nghĩ về các yếu tố cơ bản như không gian và thời gian. Sự tò mò về những điều đó khiến ông luôn đặt ra những câu hỏi lạ lẫm và dẫn đến những đột phá như thuyết tương đối.

Tài xế của nhà bác học kể, ông từng tận mắt thấy nhà bác học Einstein nhặt một con châu chấu trên đất và bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.

Einstein không muốn mất tiền cho những người cắt tóc nên thường nhờ vợ cắt hộ. Ông đặc biệt thích ăn trứng và mỗi lần ăn ít nhất 2 quả, có thể là trứng rán hoặc trứng bắc.

Ông cũng rất nghiện ăn nấm và ăn tới 3 lần mỗi ngày. Người giúp việc của vị thiên tài cũng cho biết, Einstein có sở thích kỳ lạ là thường khỏa thân và đi dạo quanh khuôn viên nhà.

"Có lẽ ông ấy không quan tâm chuyện mặc quần áo hoặc có thể ông ấy không nhớ là mình chưa mặc gì", người giúp việc nói.

9. Giáo sư đãng trí Werner Heisenberg

Giáo sư đãng trí Werner Heisenberg

Werner Heisenberg (1901 - 1976) là một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc. Ông là một trong những người sáng lập ra thuyết cơ học lượng tử và đã giành giải thưởng Nobel vật lý năm 1932.

Một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất của Heisenberg là khám phá ra nguyên lý bất định, trong đó nói rằng vị trí và động lượng của một vật thể không thể được biết chính xác.

Mặc dù có nhiều thành tựu "để đời", nhưng giáo sư Heisenberg cũng nổi tiếng với cái đầu lúc nào cũng để trên "mây".

Ông thậm chí từng trượt kỳ thi bảo vệ luận án tiến sỹ do gần như không biết một chút về kỹ thuật thực nghiệm. Trong bài thi lý thuyết, Heisenberg cũng có lần không trả lời được những câu hỏi cực kỳ đơn giản, thí dụ như "Pin hoạt động như thế nào?" của một giáo sư phản biện trong ban thẩm định luận án của mình.

10. Oliver Heaviside thích sơn móng tay màu hồng

Oliver Heaviside thích sơn móng tay màu hồng

Oliver Heaviside (1850 - 1925), là một nhà khoa học, nhà vật lý, nhà toán học và kỹ sư điện người Anh. Ông là người đã phát triển các kỹ thuật toán học phức tạp để phân tích mạch điện và giải phương trình vi phân.

Là một thiên tài hiếm có, nhưng ông cũng thuộc nhóm những "người kỳ cục".

Theo đó, Heaviside luôn sơn móng tay màu hồng chói, thiết kế nhà ở của mình bằng các khối đá granite khổng lồ, thậm chí ông chỉ uống sữa để tồn tại trong vài ngày.

Nhà khoa học này cũng bị mắc chứng bệnh hypergraphia, một bệnh ở não khiến người ta ham viết lách quá độ. Trong lúc làm việc, ông thường ghi chép rất nhiều ý tưởng lên những cuốn sổ ghi, và rất nhiều trong số đó đã trở thành những nghiên cứu quan trọng.

11. Nhà vật lý với thú vui "bẻ khóa" Richard Feynman

Nhà vật lý với thú vui "bẻ khóa" Richard Feynman

Richard Feynman (1918 - 1988) là một trong những nhà vật lý lỗi lạc nhất và nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Ông từng giành giải thưởng Nobel về vật lý năm 1965 và được đánh giá là 1 trong 10 nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại. Feynman đã tham gia dự án Manhattan của Mỹ để tạo ra một quả bom nguyên tử.

Bên cạnh những thành tựu khoa học, Feynman còn nổi tiếng là người khá nghịch ngợm, và có sở thích khác lạ.

Một trong đó phải kể tới việc Feynman đặc biệt thích dành thời gian rỗi của mình để "chơi" với các khóa an ninh, và kết quả là ông thường mở được hầu hết các tủ chứa tài liệu mật tại phòng nghiên cứu.

12. Stephen King khắt khe về ngữ pháp

Stephen King

Stephen King có một quan điểm rất khắt khe về ngữ pháp, ông từng mỗi ngày soạn thảo 2000 chữ mà không sử dụng trạng từ. Đây cũng là bí kíp cho thành công của ông.

Trong cuốn sách On writing: A memoir of the Craft, Stephen King viết: “Tôi tin rằng con đường dẫn đến địa ngục được xây dựng bởi các trạng từ, và tôi sẽ trèo lên mái nhà để nói thật to cho mọi người biết về điều này”. Ông cũng tuyên bố rằng trạng từ làm mất đi tính chi tiết và đặc thù của toàn bộ câu. Ông viết: “Trạng từ được tạo ra bởi nhà văn mang tư duy hèn nhát”.

Stephen King còn sở hữu một lượng tác phẩm đồ sộ, tác phẩm của ông thường có mặt trong danh sách Sách bán chạy nhất của New York.

13. Agatha Christie không viết truyện trên bàn giấy

Agatha Christie

Agatha Christie là tác giả của 66 tiểu thuyết trinh thám và 14 tập truyện ngắn. Nhưng bà lại không viết truyện trên bàn giấy. Thực tế, bà chưa bao giờ có một phòng làm việc riêng. Bà đã viết tác phẩm Murder on the Orient Express ở trong phòng của khách sạn. Và thay vì viết chữ, bà sử dụng máy đánh chữ để soạn thảo. Bà thường viết truyện vào bất kỳ lúc nào bà muốn, đôi khi ở trong bếp hoặc trong phòng ngủ. Ngoài ra, bà thường sáng tác truyện trước khi có cốt truyện.

Cập nhật: 29/06/2023 Tổng hợp
  • 4,86
  • 23.518