"Thử thách cá voi xanh" - tại sao chỉ vì một trò chơi mà có người sẵn sàng tự sát?

  •   52
  • 4.354

Dù nguy hiểm như thế nào thì đây cũng chỉ là một trò chơi, tham gia được thì cũng rời bỏ được. Nhưng có thật là dễ dàng như vậy không?

Trào lưu này bắt nguồn từ nước Nga từ cách đây 3 năm, và đạt được độ lan tỏa khá lớn trên cộng đồng mạng thế giới. Tuy nhiên, giới chức trách và truyền thông thế giới đã luôn phải phát đi thông điệp về sự nguy hiểm của trò chơi này, sau khi nó cướp đi sinh mạng của hàng trăm thanh thiếu niên.

Một trò chơi tự sát.
Một trò chơi tự sát.

Thử thách cá voi xanh - trò chơi tự sát cực kỳ nguy hiểm

Cá voi xanh - hay thử thách cá voi xanh là một trò chơi trên Internet. Người tham gia sẽ phải thực hiện một chuỗi yêu cầu trong vòng 50 ngày. Khởi đầu là những nhiệm vụ rất dễ, kiểu như đi dạo ở những nơi được chỉ định, thức dậy vào thời điểm hơi oái oăm một chút.

Nhưng dần dần, các yêu cầu sẽ khó dần, đòi hỏi người chơi tự gây tổn thương với những nhiệm vụ dạng như... rạch tay, khắc hình cá voi lên tay. Và cuối cùng đến ngày thứ 50, người chơi sẽ phải tự sát - tự sát thực sự - để được công nhận là kẻ chiến thắng.

Mức độ khó tăng dần, người chơi sẽ phải tự tổn thương bản thân bằng cách rạch tay, khắc hình cá voi lên tay.
Mức độ khó tăng dần, người chơi sẽ phải tự tổn thương bản thân bằng cách rạch tay, khắc hình cá voi lên tay.

Lý do trò chơi có tên là "cá voi xanh" là vì để được tham gia, bạn sẽ phải đi tìm "cá voi xanh" - tên gọi tự xưng của những kẻ đứng đầu trò chơi, đồng thời gia nhập vào cộng đồng những cá voi là người chơi khác.

Và việc tự sát khi kết thúc cũng giống như cách cá voi xanh lao mình lên bờ biển và chết vậy.

Chỉ là một trò chơi, vậy tại sao có người sẵn sàng tự tử thật vì nó?

Đây có lẽ cũng là thắc mắc chung của nhiều người. Dù sao cũng chỉ là một trò chơi, vậy mà lại tự sát thật - có dại dột quá không? Mọi chuyện đều có nguyên nhân.

Lý do đầu tiên đến từ chính những người tham gia - thường là những thanh thiếu niên còn trong độ tuổi teen - độ tuổi vẫn chưa có được sự phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý.

Theo Samir Parikh - giám đốc khoa thần kinh tại bệnh viện Fortis (Delhi, Ấn Độ), người trẻ trong độ tuổi này thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi rất mâu thuẫn trong nội tâm: "Tôi là ai?", "Chẳng ai thích tôi cả?", "Tôi sống có đủ tốt?"... Những câu hỏi như vậy, cộng thêm cảm giác cô đơn đã khiến họ có khao khát tìm đến một cộng đồng, nơi họ được tôn trọng, được chú ý đến hơn.

Trẻ em và thanh thiếu niên tuổi teen là những đối tượng chính bị dụ dỗ vào trò chơi này.
Trẻ em và thanh thiếu niên tuổi teen là những đối tượng chính bị dụ dỗ vào trò chơi này.

Hội cá voi đã đánh đúng vào điểm này. Sau mỗi thử thách, người chơi được yêu cầu trò chuyện, chia sẻ những vấn đề của mình với hội cá voi khác có chung chí hướng. Cảm giác được hoà mình vào cộng đồng sẽ khiến hội cá voi sẵn sàng làm mọi thứ cùng nhau, kể cả việc điên rồ nhất.

Thứ hai là quy định của trò chơi. Theo một bài chia sẻ trên Quora, người chơi muốn tham gia sẽ phải cung cấp thông tin trên thẻ căn cước cá nhân. Vậy nên khi muốn dừng lại, hội cá voi đứng đầu bắt đầu buông những lời đe dọa kiểu như: sẽ tìm đến cả nhà, đe dọa cha mẹ, anh chị em...

Với tâm lý chưa phát triển đủ của các bạn trẻ tuổi teen, họ dễ dàng sợ hãi trước những lời đe dọa vô cớ, để rồi phải theo đuổi trò chơi này đến cùng.

Nguyên nhân sau cùng là cách thực hiện nhiệm vụ của trò chơi này. Như đã đề cập, trò chơi sẽ đi từ dễ đến khó, nhưng các nhiệm vụ đều mang tính chất kích thích cảm xúc.

Chẳng hạn như có người khởi đầu bằng việc đi dạo tại nghĩa địa vào 12h đêm, dậy lúc 3h sáng hàng ngày, hoặc ngồi trên mái nhà trong tình trạng chân bị trói, xem phim kinh dị hàng ngày vào lúc nửa đêm...

Kích thích cảm xúc, tức là kích thích cho adrenaline tiết ra, khiến cơ thể luôn ở trạng thái sẵn sàng cho mọi tình huống. Từng bước, từng bước một, người chơi sẽ trở nên bất cần, tự tin và chẳng còn sợ hãi nữa, mà không biết rằng trò chơi đang dần tước đi sinh mạng của họ.

Cập nhật: 09/05/2018 Theo helino
  • 52
  • 4.354