Thuốc từ mật động vật

  •   32
  • 8.366

Mật lợn không phải là thứ bỏ đi; dùng kết hợp với nghệ vàng hoặc gừng tươi có thể chữa chốc đầu, nhọt độc. Còn mật gà giúp chữa ho lâu ngày; mật trăn chữa lòi dom, viêm lợi.

Mật động vật được dùng làm thuốc trong cả y học hiện đại và y học cổ truyền. Y học hiện đại chỉ dùng mật bò, mật lợn. Còn y học cổ truyền lại dùng mật của nhiều loài như rắn, gấu, kỳ đà… Thành phần hóa học chung của mật là acid cholic, acid dehydro-cholic, cholesterol, muối mật, sắc tố mật bilirubin. Tác dụng chủ yếu của mật là giảm đau, làm se, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu (dùng uống) và tiêu xưng, diệt khuẩn, hàn vết thương (bôi ngoài).

Mật lợn

Ít dùng tươi vì rất đắng, khó uống lại không để được lâu. Mật lợn thường được chế biến như sau: Cắt túi mật, hứng nước mật vào một bát to đã khử khuẩn. Đun cách thủy, khuấy đều cho đến khi nghiêng bát mà mật không chảy là được dạng cao lỏng. Hoặc nhỏ từ từ dung dịch no phèn chua vào nước mật đến khi hết kết tủa. Lọc để lấy tủa. Rửa tủa bằng nước cất, để loại phèn thừa. Đựng tủa trong một đĩa men, cho vào tủ sấy ở nhiệt độ dưới 70 độ C đến khi khô. Tán thành bột, sẽ được cao khô.

Mật lợn chữa đau bụng, đau dạ dày, ho, ho gà, hen, viêm đại tràng, vàng da, sỏi mật. Dùng cao mật đặc với liều 0,5-2 g một ngày.

Sirô mật lợn chữa ho gà: Lấy cao mật khô tán mịn, trộn với sirô, tỷ lệ 1 ml sirô chứa 2 mg cao. Ngày uống 3 lần, mỗi lần nửa thìa cà-phê cho trẻ dưới 1 tuổi; 1-2 tuổi uống 1 thìa; 3 tuổi dùng 1 thìa rưỡi; hơn 3 tuổi dùng 2 thìa.

Viên mật lợn trị táo bón: Bột cao mật lợn khô trộn với tá dược làm thành viên 0,1 g. Người lớn mỗi ngày uống 6-12 viên, chia làm 2 lần uống vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu táo bón nhiều, có thể dùng ngày đầu 20 viên rồi giảm dần. Xí nghiệp Dược phẩm 1 đã bào chế viên Lô đảm gồm cao mật lợn, lô hội, phenolphtalein để chữa táo bón, suy gan, nhiễm khuẩn đường ruột. Ngày uống hai lần, mỗi lần 2-4 viên sau bữa ăn.

Viện y học cổ truyền dùng cao mật lợn chữa hen suyễn. Mật lợn uống với hạt vừng đen làm tăng tác dụng nhuận tràng.

Dùng ngoài, nước mật lợn để nguyên hoặc cô đặc phối hợp với hoàng bá, bôi chữa bỏng; kết hợp với nghệ vàng hoặc gừng tươi, bôi chữa chốc đầu, nhọt độc; với cao đặc hành tươi, củ tỏi, lá trầu không và lá ớt chữa vết thương phần mềm, bỏng. Mật lợn phối hợp với củ sả, hạt muồng trị rắn cắn; với ít giấm đem thụt vào hậu môn làm thông đại tiện.

Mật gấu

Là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại mật động vật

Mật gấu (Ảnh: animalsasia)

Là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại mật động vật, được biết đến cách đây khoảng hơn 1.000 năm ở phương Đông. Tuệ Tĩnh đã dùng mật gấu bôi để chữa trĩ lâu ngày.

Theo kinh nghiệm dân gian, mật gấu chữa viêm tấy, đau nhức, tụ máu bầm tím do ngã hay chấn thương, hoàng đản, mụn nhọt, lở loét. Mỗi lần 0,5 g mật gấu khô hòa vào nước ấm uống, ngày 3-4 lần. Hoặc dùng 0,5-1 g hòa vào nước ấm để uống, ngày 3-4 lần. Có thể dùng 0,5-1 g hòa vào 10 ml rượu 45 độ để xoa bóp (người ta cho rằng chất acid ursodesoxy cholic chỉ có trong mật gấu đã làm giảm sưng đau nhanh và mạnh hơn).

Để chữa mắt đau sưng đỏ, mắt có màng mộng, lấy 1-2 g mật gấu khô mài với nước đun sôi để nguội, lọc, dùng nhỏ mắt hằng ngày, tỷ lệ khỏi 76%. Dung dịch nước cất chứa 2-3% mật gấu dùng nhỏ mắt còn làm tan máu nhanh trong 2-3 ngày đối với trường hợp xuất huyết dưới kết mạc do chấn thương hoặc do biến chứng của bệnh sởi, cúm, ho gà. Mật gấu không gây tác dụng phụ.

Gần đây, mật gấu đã được ứng dụng điều trị bệnh xơ gan có kết quả tốt ở Anh, Pháp, Đức với biệt dược Urso của hãng Axcan Pharma (Mỹ). Một số trường hợp ung thư cũng đã được điều trị bằng uống mật gấu, kết hợp với các phương pháp trị liệu khác như hóa trị liệu, chiếu xạ, phẫu thuật.

Mật rắn 

Mật rắn được dùng làm thuốc
Mật rắn được dùng làm thuốc  (Ảnh: SK & ĐS)
Dược liệu có vị ngọt, cay chứ không đắng như mật của các động vật khác, tác dụng chữa ho, đau bụng, đau lưng, nhức đầu kinh niên. Ngày dùng 1-2 cái còn nguyên túi vừa lấy khỏi mình rắn, nuốt chửng hoặc pha với ít rượu mà uống. Biệt dược “Tam xà đởm trần bì” (một loại thuốc cổ điển của Y học phương Đông) gồm mật của 3 loại rắn hổ mang, cạp nong hoặc cạp nia và rắn ráo, phối hợp với trần bì và nhiều vị thuốc khác dùng chữa ho, đau bụng, tiêu chảy rất hiệu nghiệm.

Để chữa viêm đa khớp với triệu chứng đau nhức xương, đỏ ở các khớp xương, đau nhiều về mùa rét, khi đau có sốt nhẹ, có người dùng mật của 3 loại rắn trên ngâm với rượu 20 độ vừa đủ 25 ml, uống trong một ngày chia làm 3 lần. Rượu ngâm mật rắn còn chữa được bệnh hen suyễn mạn tính. Mật rắn biển có vị hơi ngọt, đắng, lại là thuốc chống viêm, an thần, gây ngủ.

Mật gà

Có tác dụng giảm ho, long đờm, tiêu độc.

Chữa hen sữa ở trẻ nhỏ: Mật gà 10 cái, nghệ già 1 củ to bằng quả trứng gà, phèn chua 1 miếng bằng 3 hạt ngô. Nghệ gọt vỏ, thái mỏng, phơi khô, sao giòn, giã nhỏ, rây bột mịn; phèn chua rang khô, tán bột. Nước mật gà trộn đều với hai bột trên, rồi luyện với nước cháo làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên trước khi đi ngủ.

Chữa ho lâu ngày: Mật gà đen 1 cái, hạt chanh 10 g, hạt quất 10 g, lá thạch xương bồ 10 g. Tất cả để tươi, giã nát, thêm đường, hấp cơm, uống làm 2-3 lần trong ngày.

Chữa ho gà, ho khan, ho có đờm kèm sốt: Mật gà 10 cái, hạt chanh 20 g, hạt mướp đắng 20 g, đường cát 25 g. Hạt chanh và hạt mướp đắng đem sao khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với nước mật gà, phơi khô, tán lại cho thật mịn. Đường đun cho chảy, luyện với bột trên làm viên bằng hạt đỗ xanh, sấy khô. Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi mỗi lần uống 2-4 g; 6-10 tuổi uống 5-8 g. Ngày uống hai lần với nước ấm.

Mật kỳ đà

Có tác dụng chữa hen suyễn, động kinh. Một túi mật kỳ đà chia làm 5-7 liều, mỗi ngày uống một liều, dùng trong thời gian dài. Trong trường hợp trẻ bị sài giật, cho uống mật kỳ đà 7 g kết hợp với uống nước ép lá găng trắng và lá tiết dê, dùng bã đắp vào trán. Mật kỳ đà phối hợp với hạt chanh và hạt cau khô, giã nhỏ, hòa với rượu, uống chữa tắc kinh.

Để chữa rắn cắn, lấy mật kỳ đà 7 g, mật ong nửa thìa canh, dịch chanh 3 ml, nước đun sôi để nguội một thìa canh. Tất cả trộn đều, uống làm một lần.

Mật trăn

Vị đắng, ngọt, tính hàn, hơi độc, dùng riêng mài uống chữa sài giật trẻ em hoặc trộn với dầu vừng bôi chữa lòi dom.

Mật trăn 12 g, hạnh nhân 20 g, bỏ vỏ và cắt hai đầu, phèn phi 4 g. Hai dược liệu tán nhỏ mịn, trộn đều với mật trăn, bôi hàng ngày chữa viêm lợi sưng đau, lở loét có mu.

Mật cá

Mật cá chép 1 cái phối hợp với gan gà trống 1 cái nghiền nát, ngâm với 500 ml rượu trắng trong 5-7 ngày, càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống hai lần, mỗi lần 30 ml, chữa liệt dương. Cũng với công dụng trên, có thể lấy mật cá chép 1 cái, trứng chim sẻ 1 quả, mật gà trống 1 cái, trộn đều, uống làm một lần trong ngày.

Mật cá chép và đất lòng bếp lượng bằng nhau trộn đều, tán nhỏ nhuyễn, bôi vào cổ chữa trẻ em bị tắc họng, không nuốt được.

Mật cá giếc 1 cái đốt thành than, tán nhỏ, trộn với dầu vừng, bôi chữa sa dạ con. Mật cá mè rút lấy nước nhỏ tai trị viêm tai có mủ. Ngày làm một lần, độ 2-3 lần là khỏi. Mật cá quả tẩm bông sạch, bôi nhiều lần trong ngày, chữa viêm họng thể nguy cấp.

Chú ý: Không dùng mật cá trắm để chữa bệnh vì liều chữa bệnh rất gần với liều gây độc của cá.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
  • 32
  • 8.366