Tiếp nhận lại 34 cá thể rùa đặc biệt quý hiếm từ Hong Kong

  •   3,52
  • 1.598

Qua đường hàng không, hai cá thể rùa đặc hữu quý hiếm chỉ có ở vùng Trung Bộ nước ta, có tên khoa học là Mauremys annamensis, và 32 cá thể rùa con đã được chính quyền Hong Kong - Trung Quốc gửi trả lại Việt Nam theo Công ước CITES - Công ước quốc tế về cấm buôn bán các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Sau 7 năm lưu lạc ở Hong Kong, hai cá thể rùa bố mẹ đặc biệt quý hiếm chỉ có ở Trung Bộ và 32 cá thể rùa con đã được trả về nơi có điều kiện tương tự như ở khu vực Trung bộ - Trung tâm cứu hộ rùa Cúc Phương - Ninh Bình. Các cá thể rùa này được để ngăn nắp trong các kiện hàng đặc biệt với thức ăn và các phương tiện bảo hộ tốt nhất.

Hai cá thể rùa bố mẹ đã bị bắt ở khu vực Trung bộ Việt Nam từ năm 1999 và bị những kẻ buôn lậu động vật hoang dã bán sang một chợ địa phương ở Hong Kong với mục đích làm thuốc. Rất may mắn, chúng đã được một người dân Hong Kong mua lại để làm cảnh. Sau đó, nhận thấy đây là loài rùa quý hiếm, người dân đó đã tặng lại vườn thực vật Kadoorie - Hong Kong.

Sau 7 năm nỗ lực nhân nuôi, hai cá thể rùa này đã sinh sôi được 32 cá thể rùa con. Các kết quả điều tra của Trung tâm cứu hộ rùa Cúc Phương cho thấy, các cá thể rùa này cũng như nhiều động vật quý hiếm ở Việt Nam đã bị săn bắt và buôn bán xuyên biên giới với những thủ đoạn rất tinh vi.

Anh Bùi Đăng Phong - Phụ trách Trung tâm bảo tồn rùa Vườn quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình cho biết: "Vì lợi nhuận, những người buôn bán động vật hoang dã đã bắt các loài động vật như tê tê, rùa, bỏ vào các xe đông lạnh, sẵn sàng giết chết, hoặc dùng băng dính để dính tròn xung quanh con rùa…".

Sau khi được đưa tới Trung tâm cứu hộ, những cá thể rùa đặc biệt đã được các chuyên gia kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khoẻ. Trước mắt, chúng được chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm, sau đó sẽ được đưa về môi trường sống phù hợp.

Hiện nay, cùng với loài rùa Trung bộ, Trung tâm cứu hộ rùa Cúc Phương đang nuôi dưỡng 16/23 loài rùa đặc hữu quý hiếm chỉ có duy nhất ở Việt Nam, với gần 900 cá thể. Trên thực tế, số lượng rùa được cứu hộ và đưa về đây chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ (khoảng 1%) số lượng rùa đã bị săn bắt.

Theo ông Douglas Hendrie - Điều phối viên chương trình rùa châu Á: "Nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam đã khiến cho loài rùa bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện tại chỉ có thể tìm thấy một số quần thể nhỏ các loài rùa ở các khu bảo tồn. Hiện chúng vẫn đang đứng trước những nguy cơ rất lớn của những kẻ săn bắt và buôn bán…".

Theo VTV
  • 3,52
  • 1.598