TÌM HIỂU VỀ TẾ BÀO GỐC (Phần cuối)

  •  
  • 2.546

Tác giả: Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng, M.A., S.T.D
Nguyên tác Anh Ngữ

10. Những mối quan tâm về mặt luân lý

Phôi có phải là người hay không?

Tranh cãi về nghiên cứu tế bào gốc phôi liên quan đến một trong những vấn nạn cơ bản mà cả xã hội đều quan tâm trong cuộc tranh luận về việc tránh thụ thai, nạo phá thai và phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Câu hỏi chủ yếu của vấn đề tranh luận chính là về bản chất của sinh mệnh con người ở giai đoạn mới hình thành, cũng như vị trí về mặt luân lý và pháp lý của phôi người. Nghiên cứu tế bào gốc phôi thường đòi hỏi phải tách khối tế bào nội tại từ những phôi thặng dư, không cần đến, của những cặp vợ chồng đã hoàn thành chương trình điều trị vô sinh. Điều này khiến phôi không thể tiếp tục phát triển. Mặc dù phôi đó sẽ bị hủy bất luận thế nào, một số người cho rằng xét về mặt luân lý, sử dụng phôi trong nghiên cứu hay vì mục đích điều trị đều không thể chấp nhận được. Họ cho rằng cuộc sống của con người bắt đầu ngay từ khoảnh khắc (hoặc giây phút) được thụ tinh, và như vậy xã hội đang phá hủy cam kết về quyền bình đẳng của con người cũng như cam kết bảo vệ những cá thể vô phương kháng cự, nếu phôi được sử dụng cho những mục đích như thế. Một số truyền thống tôn giáo và văn hóa phản đối việc sử dụng mạng sống con người vào các mục đích khác, cho dù mục đích đó có cao quý đến dường nào10. Những quan niệm truyền thống khác lại ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc phôi do họ tin rằng phôi chỉ có được coi là người khi đã phát triển được vài tuần hay vài tháng.

Một số người sẽ nhấn mạnh đến bổn phận phải cứu chữa những người ốm đau và xoa dịu nỗi đau đớn của người bệnh – đây chính là mục tiêu mà nghiên cứu tế bào gốc phôi có tiềm năng rất lớn – họ ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc phôi cũng vì lý do này. Những cuộc thăm dò ý kiến công chúng mới đây cho thấy đa phần người dân của các quốc gia, như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Úc đều ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc phôi mặc dù dư luận dường như còn mâu thuẫn về việc tạo ra và sử dụng phôi người chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Về vấn đề này, Tổng thổng George Bush phát biểu tại buổi họp báo rằng “lương tâm của chúng ta mời gọi chúng ta theo đuổi tiềm năng của khoa học, nhưng vẫn tôn trọng giá trị của con người cũng như duy trì giá trị đạo đức”.11

Trong chỉ thị đã được thông qua của Tổng thống với tiêu đề “Expanding Approved Stem Cell Lines in Ethically Responsible Ways” (tạm dịch là “Mở rộng các mẫu tế bào gốc được chấp nhận hợp với phương thức trách nhiệm luân lý”), Tổng thống Bush ra chỉ thị tiến hành nghiên cứu trên các nguồn cung cấp khác của tế bào gốc toàn năng. Các mẫu tế bào gốc này, theo chỉ thị trên, có thể “thu hoạch được mà không cần tạo ra phôi người vì mục đích nghiên cứu hay phá hủy, loại bỏ hoặc làm hại phôi người hay bào thai”.

Trong chỉ thị Tổng thổng cũng khẳng định: “Hủy hoại sự sống mới hình thành vì mục đích nghiên cứu là xâm phạm nguyên tắc tôn trọng sự thánh thiện của sự sống (the principle of sanctity of life), trong đó quy định rằng: không được sử dụng bất kỳ mạng sống nào, như chỉ là phương tiện nhằm đạt được lợi ích y học cho người khác.”

“Phôi người cũng như bào thai đều là thành viên sống của loài người, chứ không phải là nguyên liệu sống để khai thác hay là vật dụng để mang ra mua bán.”

Chỉ thị định nghĩa phôi người là “sinh linh được tạo ra nhờ quá trình thụ tinh, nhân bản vô tính hay bất cứ một phương thức nào xuất từ một hay nhiều giao tử (trứng hay tinh trùng của người) hoặc tế bào lưỡng bội của con người.” 12

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khuyến khích khoa học nghiên cứu về tế bào gốc trưởng thành. Ngài nói rằng, đó là công việc tôn trọng sự sống con người cũng như mở ra những tiềm năng lôi cuốn nhằm điều trị những căn bệnh hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa.

Đức Giáo Hoàng khẳng định rõ rằng Giáo Hội không phản đối khoa học, nhưng “không đồng tình với những hình thức nghiên cứu làm hại con người đang sống mặc dù họ vẫn chưa được sinh ra” như trường hợp nghiên cứu phôi dẫn đến phôi bị hủy diệt. Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã triển khai vấn đề này vào thứ 7, ngày 16 tháng 9 năm 2006, tại điện Castel Gandolfo (Italy), nơi nghỉ mát của ngài vào mùa hè, diễn thuyết trước quý vị quan khách và quý vị tham dự hội nghị quốc tế về “Tế bào gốc: Liệu pháp tương lai?”13. Trong hội nghị, Ngài phát biểu rằng: “Tiến bộ chỉ có thể được coi là chân thực, nếu nó phục vụ lợi ích cho con người, và giúp con người tự mình phát triển, không chỉ năng lực kỹ thuật mà còn cả năng lực đạo đức”.

Từ quan điểm này, “việc nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành xứng đáng được ủng hộ và khuyến khích, khi vừa mang lại kiến thức khoa học, cùng với kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực y học, lại vừa đảm bảo yêu cầu luân lý tôn trọng sự hiện hữu của con người, dù ở bất kỳ giai đoạn nào đi chăng nữa.” Trong văn cảnh đó, Đức Giáo hoàng đề cập đến chân trời hứa hẹn được mở ra trong việc điều trị các căn bệnh, liên quan đến “hiện tượng thoái hóa mô dẫn đến nguy cơ bị tàn phế và gây nên tử vong cho bệnh nhân”.

Do đó, Giáo Hoàng Biển Đức XVI tán thành việc nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành, phân biệt nó với kỹ thuật tế bào gốc lấy từ phôi người vốn bị Giáo Hội Công Giáo La Mã lên án. Giáo Hội Công Giáo tin rằng: phôi thai chính là một con người trọn vẹn. Lẽ đó, Giáo Hội lên án hành vi nạo phá thai cũng như sự lạm dụng khéo léo về di truyền học, chẳng hạn việc nghiên cứu về tế bào gốc phôi.

Không giống tế bào gốc phôi hay tế bào nguyên thủy từ phôi giai đoạn mới phát triển có khả năng phát triển thành hầu hết các loại mô trong cơ thể, tế bào gốc trưởng thành phân chia nhằm bổ sung, đổi mới và thay thế những tế bào sắp chết, đồng thời phục hồi những mô bị hủy hoại. Tế bào gốc trưởng thành có thể lấy được từ những mẫu mô của người lớn, khác với tế bào gốc phôi, chúng sẵn sàng được sử dụng để chữa trị nhiều căn bệnh, trong đó bao gồm nhiều dạng của bệnh ung thư.

KẾT LUẬN

Lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc hứa hẹn nhiều triển vọng lớn lao đối với việc điều trị bệnh và chấn thương, nhưng triển vọng đó không phải là vô giới hạn. Thực tế vẫn tồn tại những thử thách mà (hiện nay) khoa học dường như không thể vượt qua được đối với việc sử dụng tế bào gốc phôi như là một liệu pháp y học điều trị chấn thương và bệnh tật. Ngược lại, nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành cũng mang đến tiềm năng lớn tương đương mà lại vượt qua được rào cản về mặt chính trị, luân lý và xã hội, so với việc sử dụng tế bào gốc phôi người trong nghiên cứu. Rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm cho đến khi tế bào gốc, dù ở bất cứ độ tuổi nào, cũng có thể được sử dụng như là là một trị liệu y khoa. Việc làm được coi như là có tính cách thiết thực, chính là đầu tư tài năng vào một phương pháp sẽ đem lại thành công sau một quá trình dài. Với những vấn nạn hóc búa, liên quan đến tế bào gốc phôi và sự không ràng buộc trong lãnh vực nghiên cứu về tế bào gốc trưởng thành, thiết nghĩ sẽ không hề có một lập luận khoa học thuyết phục nào đối với sự đồng tình của công chúng về việc nghiên cứu phôi người.14

Phát biểu vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần (thứ 4 ngày 27 tháng 6 năm 2007), Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chào đón đại biểu tại hội nghị toàn cầu về vấn đề sử dụng tế bào gốc trưởng thành nhằm chữa trị các vấn đề tim mạch do đại học La Sapienza tại Roma tổ chức. Ngài phát biểu: “Nghiên cứu khoa học cần phải được khích lệ và thúc đẩy, miễn là không làm hại đến những người khác. Họ có những chân giá trị không thể xâm phạm được ngay từ khởi điểm đầu tiên của cuộc sống.”15


Chú thích:

10. Xem Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Evangelium Vitae, số 60.

11. President George Bush used his veto power to kill the Stem Cell Research Enhancement Act of 2007, a bill he said "would compel American taxpayers - for the first time in our history - to support the deliberate destruction of human embryos." (Zenit News, 20 June 2007).

12. Ibid.

13. The symposium, held last Thursday through Saturday (14-16 Sept. 2006) at the Augustinianum Institute of Rome, was organized by the Pontifical Academy for Life and the International Federation of Catholic Medical Associations.

14. See Maureen L. Condic, “The Basics About Stem Cells,” First Things (January 2002). See also President George Bush who also supports adult stem cell research, for example, Bush again vetoes stem cell Bill, The Australian, 22 June 2007.

15. Pope backs adult stem cell research, ABC News - Posted Thurday, June 28, 2007.

Trà Mi chuyển ngữ
Hoàn chỉnh bản dịch Trần Mạnh Hùng
Copyright©2008 by Trần Mạnh Hùng
L.J. Goody Bioethics Centre
39 Jugan Street,
Glendalough, WA. 6016
Email: [email protected]

--Phần 1--Phần 2--Phần 3--Phần 4--Phần 5--

(HẾT)
  • 2.546