Tìm thấy hóa thạch hai loài bò sát bay mới ở Trung Quốc

  •  
  • 492

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố họ vừa phát hiện hóa thạch của hai loài bò sát bay mới từng tồn tại 120 triệu năm trước đây tại một khu vực ở đông bắc Trung Quốc.

Trong một báo cáo đăng trên tạp chí "Tự nhiên" ngày 5/10, Tiến sĩ Alếchxanđơ Kennơ thuộc Bảo tàng Quốc gia Rio de Janeiro (Brazil) cho biết hai sinh vật vừa được tìm thấy thuộc nhóm bò sát bay, mà trước đây chỉ mới được phát hiện ở châu Âu.

Phát hiện mới này tạo thêm cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu giả thuyết về mối quan hệ giữa chim với bò sát bay. Hóa thạch của hai loài này được tìm thấy tại miền Tây tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), nơi các nhà khoa học cũng đã tìm thấy hóa thạch của nhiều loài khủng long, cá và chim cổ.

Bò sát bay sống cách đây 65 triệu đến 228 triệu năm. Chúng có kích thước đa dạng từ nhỏ như một con chim tới lớn như một động vật có sải cánh tới 18 mét. Chúng có xương rỗng, thân mỏng, bộ não lớn, có mào và có mỏ dài. Các nhà khoa học từng nghĩ rằng loài sinh vật này lướt đi nhờ gió, nhưng nghiên cứu chứng minh rằng một số loài lớn có thể bay, thậm chí một số loài có lông bao phủ toàn thân như chim.

Dựa vào các hóa thạch, tiến sĩ Kennơ và các đồng sự của ông đã phát hiện ra sự phân bố của bò sát bay và chim ở khu vực miền tây tỉnh Liêu Ninh. Họ đi đến kết luận rằng chim có nhiều loài hơn bò sát bay và có thể sống ở các khu vực sâu trong đất liền trong khi bò sát bay chiếm ưu thế ở các khu vực ven biển.

Theo Thanh Niên Online
  • 492