Tìm thấy người phụ nữ đầu tiên đánh bạc

  •   42
  • 1.255

Xác của một phụ nữ Ba Tư sống cách đây 3.000 năm đã được tìm thấy chôn cùng với 600 mảnh bài của một trò chơi cờ bạc cổ. Đây được cho là người đánh bạc nữ đầu tiên được biết tới.

Những mảnh xương được tìm thấy trong mộ người phụ nữ Ba Tư.

Các nhà khảo cổ đã khai quật được xác người phụ nữ tại Gohar Tepe ở tỉnh Mazandaran, Iran, gần biển Caspia. Cuộc khai quật vẫn chưa kết thúc, nhưng đã thu được rất nhiều kết quả, trong đó có người phụ nữ với trò chơi tên là Ghap, theo đó người chơi tung hứng các đốt xương cừu.

"Rất nhiều mảnh xương đã được tìm thấy trong một ngôi mộ, hơn nữa, với rất nhiều mảnh gốm nằm xung quanh, người phụ nữ có thể chiếm vị trí cao trong xã hội", Ali Mahforouzi, người đứng đầu cuộc khai quật, nói.

Những mảnh bài đều có kích cỡ như nhau, chứng tỏ người phụ nữ có thể sưu tầm vì sở thích. Các mảnh xương cũng được khoét lỗ, cho thấy nó có thể được dùng làm đồ trang sức như vòng cổ.

Cặp tóc và 2 trâm cài váy cũng được tìm thấy trên ngực người phụ nữ. Khi chôn, có thể bà đã mặc một chiếc váy và tóc được giấu sau lưng.

Shapour Suren-Pahlav, người đồng sáng lập chương trình giáo dục Circle of Ancient Iranian Studies ở Anh, nói ông không tin người phụ nữ là một tay cờ bạc. Ông nói các nhà khảo cổ đã quên không xem lại hoàn cảnh lịch sử của trò chơi Ghap và Ghap-bazi.

Ông lý giải: "Ghap-bazi rất phổ biến ở trẻ em Iran, thậm chí tới cuối những năm 1970 ở Iran. Có thể trẻ em đã đặt những mảnh Ghap ở trong mộ để dành tặng cho người mẹ hay người họ hàng thân thiết của chúng. Tuy nhiên, đó chỉ là thể giả thiết bởi không có bằng chứng nào xác minh vai trò của những mảnh Ghap trong mộ".

Suren-Pahlav cũng bổ sung trò chơi có thể không còn được chơi ở các thành phố lớn ở Iran, nhưng vẫn còn ở các khu làng nhỏ.

Tại khu nghĩa trang Gohar Tepe, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một cặp nam nữ thuộc thời kỳ đồ sắt được chôn cùng nhau trong một ngôi mộ ghép. Tình trạng của xương, vị trí nằm cho thấy họ có thể đã bị chết đột ngột trong một tai nạn.

Dấu tích của những sợi vải thuộc cùng thời đại cũng được tìm thấy trong một nơi có thể cửa hàng dệt vải cổ. Những mảnh lát trần bị vỡ chứng tỏ công trình đã bị sụp đổ trong vụ hoả hoạn. Nhưng không tìm thấy xác người nào trong đó.

Những bức tượng bò đực có bướu 3.000 tuổi cũng được khai quật ở Gohar Tepe. "Một trong những bức tượng còn nguyên vẹn. Nó có hình dáng rất thực chứng tỏ tài nghệ của người sáng tạo. Bức tượng được đắp rất điêu luyện và được đánh bóng bằng vải, tạo nên độ sáng loáng trên bề mặt
", Mahforouzi nói. Những bức tượng này có thể được dùng trong các nghi lễ tôn giáo - trâu bò vẫn được coi là biểu tượng của sự phì nhiêu và chăm chỉ.

Cuộc khai quật tại Gohar Tepe sẽ kéo dài thêm 2 tháng nữa.

M.T. (theo Discovery)

Theo VnExpress
  • 42
  • 1.255