Tông tích tổ tiên

  •   3,73
  • 3.593

Trong khi kỷ nguyên băng hà bao trùm trái đất 30.000 năm trước trong lớp giá băng diệt vong, trong những hang động ở Gibraltar, những người thượng cổ Neanderthal cuối cùng vẫn tìm được nơi ẩn náu để tồn tại thêm 10.000 năm nữa. Những khám phá khảo cổ mới ở châu Âu đã buộc các nhà khoa học phải xem xét lại gốc tích của tổ tiên.

10.000 năm sống sót

Hang động Gorham ở Gibraltar

Hang động Gorham ở Gibraltar (Ảnh: donsmaps.com)

Mặc dù đã từng được xem là thuỷ tổ của loài người, giống người Neanderthal sau này được khoa học xem như một ngõ cụt của quá trình tiến hoá, không liên quan gì đến cha ông của chúng ta - giống người thông minh Homo sapiens. Người Neanderthal tồn tại trong những hoá thạch được xác nhận có niên đại chừng 230.000 năm trước, và ở thời phát triển cực thịnh, những thợ săn tiền sử mạnh mẽ, béo lùn này đã đặt dấu chân lang bạt khắp châu Âu ngày nay, sang tận Israel ở phía nam và Uzbekistan ở phía đông.

Còn giống người Homo sapiens tiến hoá từ châu Phi đã tiến vào châu Âu khoảng 40.000 năm trước và dần dần chiếm chỗ của giống người Neanderthal đang trên đà tuyệt diệt.

Nhưng cách đây 2 tháng, các nhà nghiên cứu Anh, Tây Ban Nha và Nhật đã xác định được niên đại của những hòn than từ một bếp lò xưa vùi sâu trong lòng hang động Gorham ở Gibraltar 
- một bán đảo ở tây nam châu Âu được Tây Ban Nha nhượng cho Anh từ 1713. Những hòn than tiền sử này nằm chung tầng khai quật mà các nhà khảo cổ trước đó đã đào được nhiều công cụ bằng đá của giống người thượng cổ châu Âu Mousterian vốn là một chi hệ của giống người Neanderthal. Những mẩu than này có niên đại khoảng 24.000 năm trước, trong khi các chứng cớ khoa học trước đó đều kết luận giống người Neanderthal đã tuyệt diệt từ trước đó cả 10.000 năm. Những thế hệ Neanderthal cuối cùng của 10.000 năm ấy đã đi đâu?

Yêu hay là chết!

Sọ người Neanderthal được tìm thấy ở Gibraltar

Sọ người Neanderthal được tìm thấy ở Gibraltar
(Ảnh: personales)

Những kết quả nghiên cứu mới công bố đầu tháng 11 này từ những hoá thạch tiền sử phát hiện ở Rumani lại tiếp tục hâm nóng cuộc tranh cãi triền miên về cội nguồn nhân loại. Tại sao giống người Neanderthal lực lưỡng lại dễ dàng bị diệt vong như thế? Nhiều nhà khoa học đã bằng lòng với giả thuyết là chính giống người Homo sapiens khi từ châu Phi đặt chân đến châu Âu đã thảm sát giống người Neanderthal để tranh giành những vùng đất săn bắn và hái lượm trong công cuộc sinh tồn. Giống người thông minh nhưng cũng đầy bản năng hiếu chiến đã tàn sát giống người khoẻ mạnh nhưng hiền hoà?

Nhưng những nghiên cứu mới đăng tải trên nội san Proceedings of the National Academy of Sciences (Biên bản Viện Hàn lâm khoa học Mỹ) lại ủng hộ ý tưởng tình cảm hơn cho rằng giống người Neanderthal cuối cùng đã bị sáp nhập với giống người Homo sapiens qua việc lai giống. Các nhà nghiên cứu Rumani và Mỹ đã xác định được những xương cốt hoá thạch tìm thấy ở động Petera Muierii (Rumani) có niên đại khoảng 30.000 năm trước - giai đoạn mà giống người Neanderthal và Homo sapiens còn song song tồn tại. Trong khi phần lớn hình dạng các bộ xương đều giống con người hiện đại, nhiều chi tiết lại mang đặc điểm của giống người Neanderthal - đặc biệt là hình dáng xương hàm dưới và phía sau hộp sọ.

Nhà nhân chủng học Erik Trinkaus của Đại học Washington thuộc nhóm nghiên cứu này cho biết: "Xương hàm của giống người Neanderthal có những đặc tính giải phẫu học riêng biệt, không liên quan đến việc tiến hoá của xương hàm con người hiện đại khi chuyển từ săn thịt sống sang thịt nấu chín". Những khớp xương vai của những bộ xương người tiền sử ở Rumani cũng chưa phát triển hoàn thiện, không thể nào thực hiện những động tác xoay vòng cánh tay để phóng lao, bắn tên hay ném đá. Theo Trinkaus, những đặc điểm này thấy rõ trong những hoá thạch người Neanderthal và những giống người đầu tiên từ cả triệu năm trước.

Người Neanderthal thay vì bị diệt chủng lại giao phối với người Homo sapiens. Để củng cố giả thuyết này, Trinkaus đưa ra nhiều bằng chứng lai giống khác từ các di chỉ khảo cổ ở châu Âu như di chỉ Mladec ở Czech. Kể cả bộ xương 24.500 năm tuổi của một cậu bé tiền sử phát hiện năm 1998 ở hang động Abrigo do Lagar Velho (Bồ Đào Nha) cũng mang những đặc điểm hỗn hợp giữa hai giống người tiền sử. Rõ ràng giống người Neanderthal đã góp phần tô điểm cho dung nhan con người hiện đại.

Những mảnh hoá thạch của xương sọ, hàm trên, hàm dưới, và xương bả vai có từ 30.000 năm trước của giống người Homo sapiens phát hiện ở Rumani gần đây cho thấy nhiều đặc điểm thừa hưởng của giống người Neanderthal (Ảnh: SGTT)

Hội nhập để sinh tồn

Mô hình phục dựng theo bộ xương 24.500 năm tuổi của một cậu bé tiền sử phát hiện năm 1998 ở hang động Abrigo do Lagar Velho (Bồ Đào Nha) cho thấy những đặc điểm hỗn hợp giữa hai giống người tiền sử Neanderthal và Homo sapiens. (Ảnh: SGTT)

Những phát hiện mới về nguồn gốc con người luôn là một sự kiện khoa học được giới truyền thông chú ý. Giả thuyết về một giống người Homo sapiens "không thượng đẳng" mà đã lai tạp với giống Neanderthal chính là tiền nhân của con người hiện đại đã làm không ít chuyên gia bất mãn.

Bác bỏ giả thuyết của Trinkaus, những nghiên cứu về gen di truyền DNA của người tiền sử lại được trích dẫn. Từ những hoá thạch được biết đã phân tích gen, các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy bộ mã DNA của người Neanderthal không có tác động gì đến con người hiện đại. Những điểm tương đồng giữa giống người Neanderthal và tiền nhân của chúng ta đã kết thúc từ 400.000 năm trước.

Nhưng Fred Spoor, giáo sư môn giải phẫu học tiến hoá của University College London lại cho rằng những kết quả phân tích DNA không chứng minh được việc lai giống giữa hai giống người thượng cổ đã không xảy ra. "Người Neanderthal và người Homo sapiens hoàn toàn có khả năng giao phối lẫn nhau và các thế hệ con cái có thể sống độc lập", Spoor nói. Vấn đề không phải là người Neanderthal đã bị người Homo sapiens tiêu diệt như thế nào mà là người Neanderthal đã "hội nhập" vào thế giới Homo sapiens đến mức nào.

Trần Ngọc Đăng

NHỮNG CHUYÊN GIA ĐI NGƯỢC THỜI GIAN

Ngành nhân chủng học tiền sử (paleoanthropology) ra đời từ thế kỷ 19 với việc khám phá những bộ xương người thượng cổ trong thung lũng Neanderthal ở Đức năm 1856. Địa danh ấy được đặt tên cho một chi hệ của giống người tiền sử Homo neanderthal mặc dầu những bộ xương hoá thạch của cùng giống người ấy đã được phát hiện tại nhiều nơi khác ở châu Âu từ năm 1830.

Giả thuyết cho rằng con người có nguồn gốc từ loài vượn đã tồn tại từ lâu nhưng ý tưởng về quá trình tiến hoá sinh học của các giống loài chỉ được chính thức công nhận khi Charles Darwin xuất bản cuốn The Origin of Species (Nguồn gốc các giống loài) năm 1859.

Mãi đến những năm 1920, những hoá thạch người tiền sử mới được tìm thấy ở châu Phi. Năm 1924, Raymond Dart đã mô tả giống người thượng cổ Australopithecus africanus qua mẫu hoá thạch bộ xương một đứa bé được đặt tên là Taung Child do phát hiện trong hang động Taung ở châu Phi. Điểm đặc biệt nhất trong hoá thạch này là hộp sọ tròn còn nguyên vẹn giống hình dáng hộp sọ con người ngày nay hơn là giống các loài vượn. Những bộ phận khác cũng cho thấy bằng chứng của khả năng đi bằng hai chân và biết ăn thịt của giống người Australopithecus africanus.

Giống người tiền sử châu Phi lâu nay vẫn được xem là tổ tiên trực hệ của giống người Homo sapiens - tiền thân của chúng ta, nhưng những khám phá và kết quả nghiên cứu mới lại đặt dấu hỏi vào giả thuyết này.

Một chiếc răng hoá thạch của người Neanderthal tìm thấy sâu trong lòng hang động Petera Muierii (Rumani)
Một chiếc răng hoá thạch của người Neanderthal tìm thấy sâu trong lòng
hang động Petera Muierii (Rumani) - (Ảnh: stanford.edu)

Hoạ sĩ tái tạo khuôn mặt một người đàn bà Neanderthal
Hoạ sĩ tái tạo khuôn mặt một người đàn bà Neanderthal
(Ảnh: wikimedia.org)

Theo Sài Gòn tiếp thị
  • 3,73
  • 3.593