Trận lụt khủng khiếp làm hạ nhiệt trái đất

  •  
  • 875

Các nhà địa chất cho biết họ đã tìm hiểu được làm cách nào một hồ nước rộng lớn nằm dưới lớp băng từng bao phủ phần lớn Bắc Mỹ có thể rút ra biển, một sự kiện làm hạ nhiệt trái đất trong hàng trăm năm.

Khi nhiệt độ trái đất nóng lên dần cách đây khoảng 10.000 năm, băng rút đi để lại khoảng trống thuộc vùng Ngũ Đại hồ ngày nay. Bên dưới lớp băng mỏng hình thành nên một khối nước khổng lồ - hồ băng Agassiz-Ojibway. Khối nước này rộng lớn đến mức bao phủ được nhiều vùng của Manitoba, Saskatchewan, North Dakota, Ontario và Minnesota. Sau đó, tức khoảng cách đây 8.200 năm, hồ băng Agassiz-Ojibway bị rút nước và giải thoát một dòng nước khổng lồ vào eo biển Hudson và biển Labrador, lớn gấp 15 lần dòng chảy của sông Amazon. Kết quả là mực nước biển dâng cao đến 14m.

Làm cách nào cơn lũ khủng khiếp này được giải phóng vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng một đập băng bị vỡ hoặc nước trào qua khỏi mặt băng.

Ảnh do NASA cung cấp chụp ngày 20 tháng 5 năm 2002 hiện rõ toàn bộ Đại Ngũ hồ ở Mỹ. Các nhà địa chất cho biết họ đã tìm hiểu được làm cách nào một hồ nước rộng lớn nằm dưới lớp băng từng bao phủ phần lớn Bắc Mỹ có thể rút ra biển, một sự kiện làm hạ nhiệt trái đất trong hàng trăm năm. (Ảnh: AFP)

Hai nhà nghiên cứu Lajeunesse và Guillaume Saint-Onge ở Quebec cho rằng sự phun trào xảy ra dưới bề mặt lớp băng hơn là ở trên hay xuyên qua. Trong một công trình xuất hiện trên tạp chí chuyên đề Nature Geoscience, hai nhà khoa học này mô tả cách họ nghiên cứu chéo vịnh Hudson trên một con tàu nghiên cứu, sử dụng hệ thống định vị dưới nước bằng siêu âm để quét khu vực kéo dài đến 10.500 km và thu được hình ảnh tầng đáy của vịnh.

Ở phía nam của vịnh, họ phát hiện được những làn sóng sâu ở thảm cát kéo dài hơn 900km và sâu khoảng 1,7m. Có những dấu hiệu cho thấy tầng đáy, từng được một lớp băng chắc chắn bảo vệ, bị một dòng chảy rất mạnh quét qua cách đây nhiều năm nhưng hiện nay nó vẫn còn tồn tại.

Còn ở phía tây, họ phát hiện những vết lạ mang hình parabol xoắn lên đến phía đông bắc. Những đường hình cung nằm sâu khoảng 3m trên bề mặt đáy biển ở độ sâu khoảng từ 80 đến 205m.

Họ tin rằng những tảng băng của vịnh này từng bị dòng lũ khổng lồ cuốn đi.

Phần đỉnh lởm chởm của tảng băng bị kẹt lại dưới đáy biển và đóng vai trò như một trụ xoay. Những chứng cứ khác bao gồm nhiều kênh ngầm nằm sâu và trầm tích đỏ kéo dài từ vùng đất liền phía tây của vịnh Hudson ngang qua tầng đáy tây bắc – dấu hiệu cho thấy một dòng chảy đã quét qua vùng này trước đây. “Lớp băng bị nâng lên khá mạnh, cho phép trận lụt quét qua phía nam vịnh Hudson dưới bề mặt băng.”

Các công trình trước đó cho rằng trận lụt lớn đến mức ảnh hưởng khí hậu trên toàn thế giới.

Sự tràn nước ngọt ở bắc Đại Tây dương làm giảm độ mặn đại dương nhiều đến mức kìm hãm quá trình lưu thông nhiệt từ khu vực nhiệt đới sang ôn đới. Nhiệt đột ở tây Âu giảm hơn 3oC trong khoảng 200 – 400 năm, một kỷ Băng hà thu nhỏ ở vùng này.

Tuệ Minh (Theo PhysOrg)
  • 875