Trăn tiêu hóa luôn cả xương con mồi

  •   2,52
  • 9.445

Khi xơi một con mồi, trăn đã tiêu hóa luôn cả xương của con vật bất hạnh đó... Một khám phá mới của các nhà sinh vật Pháp và Ấn Độ.

Nếu loài bò sát bị cho là loài tham ăn tục uống, thì loài trăn Burmese sẽ bị cho là có vấn đề trong việc này.

Trăn Burmese là một loài trăn lớn sinh sống ở nam Á, và thường bị bắt đem bán làm thú cảnh trong nhà. Con trăn lớn nhất của loài này đến từ Công viên Serpent Saphari tại Gurnee, Illinois, Mĩ với cân nặng 182,76kg và chiều dài đạt 8,23m. Kỉ lục này được ghi nhận vào năm 2005. Những con trăn cái thường lớn hơn trăn đực. Loài này sinh sống chủ yếu ở các nước Đông Nam Á, như Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.

Chúng ăn rất thất thường nhưng lại không bỏ sót thứ gì của con mồi, từ xương cho đến tất cả mọi thứ.

Đồng tác giả của cuộc nghiên cứu mới, Jean-Hervé Lignot đến từ Đại học Louis Pasteur tại Pháp cho biết: ” Những con non thường ăn mỗi tuần một lần, các con trưởng thành lại ăn một lần một tháng, và thậm chí có thể không ăn trong nhiều tháng liền trong điều kiện bình thường.”

Trăn Burmese
Trăn Burmese (Ảnh: LiveScience)

Nhưng trăn đã tiêu hóa xươngcủa con mồi như thế nào?

Một nghiên cứu mới phát hiện rằng những con trăn này có khả năng hấp thụ canxi từ xương của con mồi mà chúng nuốt trước đó, và đó là nguồn dinh dưỡng bổ sung thêm cho cơ thể.

“Do đó cơ thể của trăn mới thích nghi được với thời gian nhịn đói kéo dài, tiếp tục với những bữa ăn khổng lồ, quá trình tiêu hóa diễn ra với cường độ cao và hấp thụ chất dinh dưỡng.”

Cuộc nghiên cứu này đã được công bố tuần trước tại cuộc họp thường niên của Tổ chức Sinh học thực nghiệm (Society of Experimental Biology) tổ chức tại Glasgow, Scotland. Nó cho thấy được khả năng thích nghi rất tốt của loài trăn này khi chúng nạp vào cơ thể một lượng thức ăn quá lớn.

Trong nghiên cứu đó, Lignot và Robert Pope đến từ Đại học South Bend của Ấn Độ đã quan sát những thay đổi về hình dạng và nhiệt độ của ruột của những con trăn Burmese trước và sau bữa ăn của chúng. Ngay sau khi nuốt con mồi, trong mô ruột của trăn có sự thay đổi của các tế bào.

Những tế bào cũ trước đây đã phải làm việc quá sức trong quá trình tiêu hóa thì nay được thay thế bằng những tế bào mới. Các nhà khoa học này cho rằng quá trình này như để “nâng cấp” dạ dày và ruột để chuẩn bị cho thời kì đói kém tiếp theo cũng như những chu trình tiêu hóa mới.

Khi tiến hành phân tích bên trong ruột của những con trăn, vài giờ sau bữa ăn của chúng, những người nghiên cứu tìm thấy những vật thể nhỏ, và đó chính là những mẩu xương của những con mồi xấu số.

Một con trăn đang ăn con mồi
Một con trăn đang ăn con mồi (Ảnh: Muohio.edu)

Các nhà khoa học khám phá ra rằng những tế bào mới có nhiệm vụ phân hủy các mẩu xương nhỏ để thuận tiện hơn cho quá trình tiêu hóa. Có hình dạng như những thanh golf-tee (một miếng đỡ quả bóng golf cao hơn so với mặt đất khi phát cú bóng đầu tiên trong môn đánh golf), những tế bào đặc biệt này phân hủy những mẩu xương nhỏ đó trước khi đưa những chất dinh dưỡng thu được vào máu.

Họ cho rằng quá trình này cho phép loài trăn thoải mái hấp thụ canxi từ xương của những con mồi trong bụng chúng.

Mạnh Đức

Theo Livescience, VietNamNet
  • 2,52
  • 9.445