Trẻ bị tiêu chảy do siêu vi ngày càng tăng

  •  
  • 1.835

Tháng 9-2005, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM tiếp nhận khám 6.168 bệnh nhi (BN) rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy cấp, nhưng sang tháng mười tăng lên 7.350. Tại BV Nhi Đồng 2, số liệu tương ứng trong hai tháng là 2.886 và 3.660 BN.

Đa số do siêu vi


Bác sĩ Hoàng Lê Phúc - trưởng khoa tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 - cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại tiêu chảy theo tính chất của phân gồm hai loại: tiêu chảy có đàm máu, thường do tác nhân vi trùng gây ra và tiêu chảy không đàm máu, là loại có thể do vi trùng, độc tố vi trùng hoặc siêu vi gây ra. Ở VN, tỉ lệ BN tiêu chảy do vi trùng chiếm số lượng đáng kể, nhưng có lẽ vẫn ít hơn tiêu chảy do siêu vi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Huệ - phó khoa khám bệnh BV Nhi Đồng 2 - cho biết trẻ bị tiêu chảy do siêu vi thường sốt cao, mệt mỏi, khởi đầu bằng ói, sau đó mới tiêu chảy toàn nước, không mùi. Thông thường bệnh sẽ khỏi trong 3-5 ngày, cá biệt có khi đến bảy ngày. Điều trị trẻ bị tiêu chảy do siêu vi chủ yếu là thuốc hạ sốt, bù nước và dinh dưỡng tốt.

Tiêu chảy do siêu vi thường xảy ra nhiều ở trẻ nhũ nhi nhưng gần đây BV thấy những trẻ từ 7-10 tuổi cũng bị. Trẻ bị tiêu chảy do siêu vi thường không thể hiện mất sức, rã rượi, trẻ vẫn chơi, ăn được dù đi tiêu chảy cả chục lần.

Trong khi trẻ tiêu chảy do vi trùng thường có biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi, mắt trũng, da khô, môi khô, đi tiểu ít, nước tiểu vàng - những biểu hiện mất nước người nhà dễ nhận thấy. Khác với tiêu chảy do vi trùng thường lây qua đường miệng, phân, tiêu chảy do siêu vi còn lây qua đường hô hấp rất nhanh. Việc phòng ngừa cũng rất khó, nhất là đối với các cháu đi học ở nhà trẻ, mẫu giáo.

Những điều nên tránh

Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, hiện nay nhiều bà mẹ có con bị tiêu chảy còn mắc phải một số sai lầm là cho trẻ nhịn ăn, nhịn uống hoặc cho trẻ uống nước quá nhanh trong khi cần đút chậm. Nếu đút quá nhanh trẻ sẽ bị ói hoặc có khi làm cho tiêu chảy nhanh hơn.

Một số bà mẹ còn quan niệm sai lầm là uống thuốc quan trọng hơn uống nước mà không biết rằng nước quan trọng hơn thuốc. Khi trẻ bị tiêu chảy, nếu không được bù nước sẽ nhanh chóng bị khô kiệt khiến trẻ tử vong.

Khi cho uống nước cũng phải phù hợp. Cần lưu ý Oresol là thuốc dùng để điều trị mất nước. Còn để ngừa mất nước thì có thể cho trẻ dùng tất cả các loại nước, trừ nước ngọt. Chỉ nên cho trẻ uống Oresol sau tiêu lỏng. Có bà mẹ đã sai lầm cho con uống Oresol như uống nước lọc mỗi ngày, trong khi bé chưa mất nước dẫn đến tình trạng dư muối, gây ngộ độc cho trẻ (co giật, hôn mê).

Bác sĩ Phương Huệ lưu ý không nên cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy. Điều này không tốt cho trẻ vì sẽ làm rối loạn co bóp đường ruột, làm tác động của độc tố siêu vi trùng trên ruột sẽ nhiều hơn, làm bụng sình to, trẻ mệt mỏi hơn...

Quan trọng nhất là bù nước

Về điều trị, chủ yếu cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để phòng mất nước do tiêu chảy và để bù mất nước. Cần phải cho trẻ uống chậm, từng muỗng một, hoặc từng ngụm một (nếu trẻ lớn). Nếu trẻ bị ói thì ngưng khoảng 10 phút rồi mới cho uống tiếp nhưng chậm hơn.

Nếu trẻ còn bú thì sữa mẹ vừa là thức ăn vừa là loại “nước” tốt nhất. Cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt và mỗi bữa cho bé bú lâu hơn. Với trẻ lớn hơn, cần cho trẻ uống thêm các loại nước sau: nước canh, nước rau luộc, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín.

Cần tránh các loại nước giải khát như nước ngọt, nước ép trái cây quá ngọt vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn. Cho trẻ ăn và bú nhiều hơn thường ngày để có sức, mau lành bệnh. Cho trẻ ăn tăng số bữa, lượng thức ăn ít hơn. Có thể cho trẻ uống thêm viên kẽm.

LÊ THANH HÀ

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 1.835