Trung Quốc cấy thành công mạch máu in 3D vào loài khỉ

  •  
  • 710

Sự phát triển đột phá về công nghệ in 3D trong y học có thể mang hy vọng đến cho gần 1,8 tỷ bệnh nhân tim.

Theo CNN, các nhà khoa học Trung Quốc đang làm việc cho công ty Sichuan Revotek đã in 3D thành công các mạch máu và cấy vào cơ thể của loài khỉ nâu (khỉ rezut). Đây là bước tiến lớn trên con đường dẫn đến việc in hàng loạt bộ phận cơ thể con người để tiến hành cấy ghép.

Sichuan Revotek là "công ty đầu tiên duy trì được khả năng tồn tại của tế bào với công nghệ in 3D", James Kang, trưởng các nhà khoa học và là CEO của Sichuan Revotek nói.

Chìa khóa của thành công chính là nguyên liệu sinh học do Sichuan Revotek phát triển, được gọi là bio-ink, làm từ các tế bào gốc lấy từ mô mỡ của loài khỉ.

Công ty Trung Quốc đã cấy ghép mạch máu 3D vào người của 30 con khỉ nâu.
Công ty Trung Quốc đã cấy ghép mạch máu 3D vào người của 30 con khỉ nâu.

Tế bào gốc có khả năng phát triển thành bất kỳ tế bào nào trong cơ thể, và việc sử dụng tế bào gốc của chính loài khỉ nghĩa là các mạch máu sẽ không bị hệ miễn dịch nào từ chối khi được cấy ghép.

Được cấp bằng sáng chế với tên là "Biosynsphere". Bio-ink bao gồm các tế bào gốc sống trong một môi trường vi mô, có đầy đủ các yếu tố tăng trưởng và chất dinh dưỡng có thể kích thích tế bào phát triển thành những loại tế bào cần thiết để hình thành nên một mạch máu hoạt động.

Việc sử dụng tế bào gốc từ các mô mỡ cũng an toàn hơn so với các nguồn thông thường khác – như là phôi, ông Kang nói.

Trong suốt cuộc phẫu thuật, nhóm các nhà khoa học đã thay thế một đoạn động mạch bụng dài 2cm bằng loại mạch máu in 3D trong 30 con khỉ nâu.

Trong vòng 5 ngày sau khi cấy ghép, các tế bào gốc đã có thể phát triển thành các loại tế bào khác nhau cần thiết để tạo thành một mạch máu sinh học bình thường, bao gồm các tế bào nội mô và tế bào cơ trơn.

Một tháng sau, các mạch ghép đã hoàn toàn nhập vào động mạch riêng của khỉ và có chức năng "giống hệt" như mạch máu gốc của khỉ. Các mạch ghép cho thấy đã có thể hỗ trợ chức năng mạch, như hỗ trợ dòng máu lưu thông và vận chuyển chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể, vì bio-ink giúp chúng phát triển đầy đủ thành các mạch sống.

Các chuyên gia đồng ý thành công của thử nghiệm là một sự đột phá.

"Đây là một đột phá quan trong trọng lĩnh vực y tế", Alex Lee, một giáo sư trợ giảng tại trường Đại học Trung Quốc của Hong Kong, nói. Nhóm của Lee đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các nguyên mẫu trái tim, áp dụng trong các ca phẫu thuật tim.

Tuy nhiên, bà Lee nói vẫn còn phải mất nhiều năm quan sát tác động lâu dài của những mạch ghép và phải thận trọng, vì chúng "có thể lại bị tắc nghẽn sau nhiều năm".

Kang nói công ty của ông đang xin phép chính quyền để thử nghiệm quá trình trên với con người.

Năm ngoái, công ty Sichuan Revotek đã tạo ra mạch máu in 3D đầu tiên trên thế giới, được cho là có thể tạo ra các mô và cơ quan sống. Suchuan Revotek là một trong những startup công nghệ ở trung tâm sáng tạo Trung Quốc, tại Thành Đô, Tứ Xuyên.


Các nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó, kỹ thuật cấy ghép các bộ phận cơ thể người được tạo ra bằng công nghệ in 3D sẽ được áp dụng với con người

In 3D các bộ phận cơ thể người: chặng đường còn dài

Trong năm 2016, chúng ta đã chứng kiến "một sự bùng nổ" sản xuất 3D các cấu trúc sinh học. Các nhà khoa học Nga đã cấy ghép tuyến giáp 3D vào một loài chuột thí nghiệm và kỳ vọng sẽ tiến hành làm điều tương tự với con người trong 15 năm nữa. Còn hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp là L'Oreal tuyên bố đang phát triển các mô da 3D để thử nghiệm. Một startup ở New York là EpiBone, đang cố gắng ứng dụng in 3D trong tùy chỉnh ghép xương.

Tuy nhiên, những tiến bộ này đang làm nảy sinh nhiều lo lắng về mặt đạo đức, các nhà phân tích nói chúng có thể dấy lên cuộc tranh cãi lớn, dẫn đến những chính sách quản lý chặt công nghệ.

Bà Lee nhận thấy mạch máu in 3D là cơ hội thật sự với con người và hy vọng sẽ "thử nghiệm trong vài năm nữa". Bà dự đoán những cấu trúc bộ phận cơ thể khác cũng có thể trở thành sự thật.

Các bộ phận cấu thành trái tim con người, như van tim, có hình dạng và cấu trúc mô phức tạp hơn, vì thế sẽ là một thách thức công nghệ đối với lĩnh vực in 3D.

Việc in các cơ quan sống, như toàn bộ trái tim, vẫn còn cả "chặng đường dài phía trước", bà Lee nói.

Cập nhật: 23/01/2017 Theo vnreview
  • 710