Trung Quốc: Khám phá mộ cổ

  •  
  • 2.257

Ngày 14/11, Cục quản lý cổ vật tỉnh Hà Nam cho biết, khu mộ làng Quách ở huyện Thượng Thái mà họ mới phát hiện là khu mộ đá đời Sở hiếm gặp

Bên trong ngôi mộ cổ (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Ngày 14/11, Cục quản lý cổ vật tỉnh Hà Nam cho biết, khu mộ làng Quách ở huyện Thượng Thái mà họ mới phát hiện là khu mộ đá đời Sở hiếm gặp, một lượng lớn cổ vật đẹp đẽ vẫn được bảo quản hoàn hảo, trong đó có một chiếc đỉnh nắp tròn bằng đồng xanh, đường kính miệng 80cm, chiếc đỉnh này có trọng lượng chỉ kém chiếc đỉnh vạc ở mộ Sở U Vương.

Người chủ của ngôi mộ này có lẽ là quý tộc cao cấp được Sở Vương thụ phong hoặc là huyện doãn sở tại.

Khu mộ làng Quách huyện Thượng Thái cách thành cổ Thượng Thái 3km về phía Đông.

Khu mộ cổ luôn là mục tiêu của phường trộm cắp nên sau khi được Cục cổ vật quốc gia phê chuẩn, phòng nghiên cứu cổ vật khảo cổ tỉnh Hà Nam tiến hành khai quật khu mộ.

Theo lịch sử, nước Sở tồn tại từ cuối thời Xuân Thu đến đầu thời Chiến Quốc (*), nhưng trong tài liệu cổ có rất ít thông tin về nước này.

Trong đợt khai quật này có hai ngôi mộ táng xếp theo hướng Nam Bắc, bệ mộ hướng về phía Đông, huyệt mộ có hình chữ Giáp. Ngôi mộ số 1 là mộ chính, nằm ở phía Nam, là ngôi mộ đá cát lớn, được vùi sâu dưới 2m đất.

Ở phần miệng mộ thất, chiều dài theo hướng Đông Tây 25m, chiều rộng theo hướng Bắc Nam 17m, sâu khoảng 18m, ở bốn góc đều có đường lên xuống bậc thang rất đặc biệt.

Bên trên của mộ thất được lấp đất dày khoảng 7m, bên dưới là một lớp cát mịn dày khoảng hơn 10m, đây là loại mộ thất có chiều dày cát hiếm gặp ở Trung Quốc. Quách được chôn trong cát và đã có dấu vết bị mục, có hiện tượng bị sập.

Quách gỗ dài 12m, rộng 7,4m , cao khoảng 3m. Trên thành quách có hoa văn sơn đỏ trên nền đen và được trang trí bằng các miếng đồng bọc vàng, các miếng ngọc bội...

Thiết kế chống trộm của ngôi mộ rất hoàn hảo, nên tuy đã bị đào trộm khoảng 12 lần từ xưa tới nay, nhưng phần thất quách chỉ mới bị đào khoảng một nửa, hiện vẫn còn rất nhiều cổ vật quý như 5 chiếc đỉnh tròn có nắp, 2 chiếc gương có tai là 4 con rồng, 2 chiếc ấm hình vuông...và các vật phẩm bằng đồng khác.

Ngôi mộ thứ hai nằm ở phía Bắc, đây cũng là một ngôi mộ lớn, về hình dáng cũng giống như ngôi mộ thứ nhất, chiều dài theo hướng Đông Tây là 16,5m; chiều rộng theo hướng Bắc Nam là 11m; sâu khoảng 11m được vùi trong đất.

Ngôi mộ này chắc chắn có quan hệ tổ hợp với ngôi mộ thứ nhất, theo suy đoán của các chuyên gia, đây là phần mộ của hai vợ chồng.

Phong tục hậu táng của Trung Quốc là mục tiêu trộm cắp, đào cổ vật từ bao đời nay. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được dấu vết của 12 lần đào trộm, trong đó lần đào trộm đầu tiên là khoảng thời gian đời Hán, vì họ tìm thấy những mảnh vỡ của các viên gạch vẽ hình đời Hán.

Do thiết kế chống trộm tốt, nên trong 12 lần bị đào, chỉ có hai lần kẻ trộm đào được tới tận đáy của quách do mộ được trôn sâu tới 18m, thứ hai do hình dáng độc đáo của mộ, đường hầm mộ có hình loa, rộng từ 8-10m, dài 30m, được lấp đất.

Các đường hầm dốc thông thường đều có thể thông tới đáy mộ, đáy của đường hầm này cách đỉnh quách khoảng 5m, nên không dễ gì đi theo đường này để xuống đáy quách.

Về nguyên lý chống trộm của mộ đá và cát, hoặc có nơi dùng than thay cho đá chủ yếu là để chống ẩm, cát mới là để chống trộm. Khi kẻ trộm đào vào đến khu vực này, đào đến đâu cát sẽ liên tục chảy xuống đến đó, cát trôi sẽ kéo theo những khối đá từ vài kg cho đến khoảng 150kg lấp lối đi.

Người chủ của ngôi mộ hiện vẫn còn là điều bí ẩn. Do ngôi mộ ở gần thành cổ của nước Thái, nước Thái đã lập đô ở đây 500 năm và trải qua mười mấy đời vua, vì vậy có suy đoán rằng đây là mộ của vua nước Thái, cũng có suy đoán rằng đây là mộ của quý tộc nước Sở hoặc của bậc Thừa tướng.

Theo các chuyên gia, ngôi mộ nằm trong khu vực nước Thái thuộc thời Tây Chu, đây là một nước chư hầu quan trọng nhưng về sau bị nước Sở thôn tính và phân phong làm Trấn thủ trọng thần.

Việc khai quật ngôi mộ cổ này sẽ đem lại những tài liệu và vật chứng quan trọng cho việc nghiên cứu văn hoá và lịch sử của nước Sở.

Tuyết Nhung (Theo CRI)
Theo VietNamNet
  • 2.257