Trung Quốc quyết giảm khói xe để đối phó ô nhiễm

  •  
  • 560

Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc tuyên bố họ sẽ áp dụng các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải từ xe hơi sau khi khói mù bao trùm hơn 30 thành phố trong những ngày qua.

>>> Bầu trời Trung Quốc tối sầm vì ô nhiễm

Ông Tao Detian, người phát ngôn của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, nói rằng giới chức sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để giảm lượng khí nitơ oxide (NO) mà các ô tô thải ra. Ngoài ra, Bộ Bảo vệ Môi trường cũng sẽ tăng cường giám sát hoạt động sản xuất, tiêu thụ và loại bỏ ô tô, Tân Hoa Xã đưa tin.

Tầm nhìn ở nhiều nơi tại Trung Quốc giảm xuống dưới 100m do khói mù dày đặc trong những ngày qua.
Tầm nhìn ở nhiều nơi tại Trung Quốc giảm xuống dưới 100m
do khói mù dày đặc trong những ngày qua. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

"Bộ sẽ tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng đô thị, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch để giảm lượng khí thải từ phương tiện cơ giới - một trong những thủ phạm tạo nên khói mù tại các thành phố", ông Tao nói.

Bên cạnh đó nhà chức trách cũng yêu cầu những công ty, công trường xây dựng xả nhiều khí thải, bụi ngừng hoạt động. Chẳng hạn, giới chức Bắc Kinh yêu cầu 30 công trường trong thành phố ngừng hoạt động.

Theo số liệu của ngành công nghiệp ô tô, Trung Quốc là nước sản xuất lớn nhất và cũng là thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới trong 4 năm vừa qua. Số lượng ô tô ra đời tại Trung Quốc trong năm 2012 là 19,27 triệu, còn số lượng ô tô được tiêu thụ là 19,31 triệu.

Nitơ oxide, carbon monoxide (CO) và những loại khí thải khác từ phương tiện cơ giới là những chất gây nên khói mù và mưa axit tại các thành phố Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Khói mù bao phủ một khu vực rộng ở miền trung và miền đông Trung Quốc từ ngày 11/1 khiến tầm nhìn giảm mạnh. Giới chức phong tỏa nhiều đường cao tốc do lo ngại tai nạn, còn các hãng hàng không cũng hoãn hoặc hủy vài chục chuyến bay.Các chỉ số chính thức và phi chính thức đều cho thấy mật độ hạt bụi có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống tại Bắc Kinh cao hơn từ 12 tới 16 lần so với ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo VNE
  • 560