Trung Quốc tăng tốc khai thác năng lượng Mặt trời

  •   52
  • 873

Để giảm dần sự phụ thuộc vào than đá và dầu hỏa, trong năm nay Trung Quốc sẽ xây dựng 2 nhà máy năng lượng Mặt trời qui mô lớn ở hai tỉnh cao nguyên phía Tây là Thanh Hải và Vân Nam. Dự án ở Thanh Hải với vốn đầu tư ban đầu 1 tỉ NDT (khoảng 146 triệu USD), khi hoàn tất, có thể trở thành nhà máy điện Mặt trời lớn nhất thế giới.  

Khách sạn quốc tế Diangujinjiang ở tỉnh Hà Bắc là khách sạn đầu tiên ở Trung Quốc trang bị máy phát điện Mặt trời. Trong ảnh: Mái trần bằng kính sử dụng điện Mặt trời bên trong khách sạn.

Cách đây 1 tháng, tỉnh Vân Nam thông báo sắp khởi công nhà máy điện Mặt trời công suất 166 megawat với tổng vốn đầu tư 9,1 NDT - được xem là dự án có qui mô lớn nhất Trung Quốc vào thời điểm công bố dự án. Trong khi đó, nhà máy năng lượng Mặt trời đầu tiên hòa lưới điện quốc gia ở Trung Quốc đã đi vào hoạt động tại sa mạc Tengger thuộc tỉnh Cam Túc vào cuối tháng 12 vừa qua. Giai đoạn đầu nhà máy chỉ hoạt động 50% công suất (công suất thiết kế 1 megawatt). Nhà máy sẽ hoạt động hết công suất vào cuối năm nay khi quá trình xây dựng hoàn tất.

Theo Hiệp hội Năng lượng tái sinh Trung Quốc, tiềm năng phát triển năng lượng Mặt trời của nước này là rất lớn. Hằng năm, hơn 2/3 diện tích đất liền của Trung Quốc đón nhận hơn 2.200 giờ nắng chói, nhiều hơn các nước và khu vực có cùng vĩ độ như Nhật Bản và châu Âu. Với lợi thế này, tiềm năng dự trữ năng lượng Mặt trời của nước này ước tính tương đương 1.700 tỉ tấn than. Tuy nhiên, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết hiện lĩnh vực sản xuất điện Mặt trời của nước này vẫn thua xa các nước khác.

Theo NDCR, Trung Quốc hiện đứng thứ 3 thế giới về sản xuất máy nước nóng năng lượng Mặt trời và pin quang điện. Quốc gia đông dân nhất thế giới đặt mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái sinh lên 10% trên tổng lượng năng lượng tiêu thụ trên cả nước.

Theo Báo Cần Thơ (Xinhua)
  • 52
  • 873