Truy tìm tung tích cảm giác lạnh

  •  
  • 480

Julie Steenhuysen

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho biết, những dây thần kinh nhận lệnh từ một loại protein rồi gửi thông tin đi về một cái táp thấu xương của một cơn gió lạnh cắt da cắt thịt hay đơn giản chỉ là một làn gió thoảng qua. Khám phá này làm sáng tỏ câu hỏi về cách mà chúng ta cảm nhận cái lạnh.

Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy các nơ-ron cảm nhận cái lạnh đều được chuyên môn hoá, một số nơ-ron nhận biết cảm giác lạnh thấu xương, còn một số khác lại chuyên biệt với những cảm giác dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại trường đại học Nam California lại phát hiện ra rằng, mặc dù hầu hết các nơ-ron cảm nhận cái lạnh đều sử dụng chỉ một loại protein có tên TRPM8 nhưng chúng lại có thể phát hiện được rất nhiều cảm giác.

Đi trong bão tuyết tại thành phố Quebec, hôm 16 – 12 - 2007. (Ảnh: Reuters)

David McKemy, người đã có nghiên cứu xuất bản trên tập san Neuroscience đã nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Tất cả chúng ta đều biết khi bị lạnh, chúng ta cảm nhận được rõ ràng. Chúng ta sẽ thấy một cơn đau buốt lan toả nhanh chóng nhưng chỉ tạm thời và âm ỉ”.

Các nhóm nghiên cứu khác lại cho biết có hai nơ-ron cảm nhận cái lạnh khác nhau có liên quan trong sự việc này. McKemy nói: “Có quan niệm cho rằng tồn tại những nơ-ron gọi là sợi nhận biết cảm giác lạnh và những nơ-ron khác nhận biết cảm giác đau.”

Ông cũng hy vọng các nơ-ron sản xuất ra TRPM8 có thể nhận biết cảm giác lạnh ở nhiều trạng thái khác nhau. Để tìm hiểu những nơ-ron này, McKemy tiến hành thao tác nhuộm gen với chuột. Các sợi nơ-ron sản xuất loại protein nói trên sẽ có màu xanh huỳnh quang, sau đó ông lần theo những sợi này từ các nơ-ron cảm giác gần dây cột sống đến các dây thần kinh nằm trên da.

McKemy nói: “Nghiên cứu cho thấy, những nơ-ron này tuy sản xuất ra chỉ một loại protein, nhưng dường như chúng lại đa chức năng. Con người cũng có khả năng y hệt."

McKemy cho biết, các dây thần kinh sản xuất protein TRPM8 chiếm khoảng 75% số lượng nơ-ron nhận biết cảm giác lạnh. Ông tin có những loại nơ-ron khác chuyên biệt với cảm giác đau đớn, ví dụ như khi da chúng ta bị tê cóng.
Các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nơ-ron nhận biết cảm giác lạnh nhằm nắm được cơ chế phân tử của cảm giác này, từ đó nghiên cứu những loại thuốc tốt hơn làm giảm cảm giác đau đớn.

McKemy nói: “Nếu chúng ta hiểu được những bí ẩn nhỏ nhưng rất cơ bản và quan trọng về phân tử và các nơ-ron, cách chúng nhận biết cơn đau bình thường thì chúng ta có thể biết được tại sao chúng ta lại thấy đau vào những thời điểm nên tránh”.

Trà Mi (Theo Reuteurs, Yahoo News)
  • 480