Truyền thuyết “mặt biển tách đôi” tưởng hư cấu mà hóa ra khoa học lại giải thích được

  •   35
  • 6.012

Làm sao mà mặt nước lại có thể tách đôi, phơi ra con đường trơ trọi dưới đáy sâu được nhỉ? "Mặt biển tách đôi" - đây quả là sự kiện ngàn năm có một.

Từ kho tàng cổ tích phương Đông tới thần thoại phương Tây, không thiếu những mô-típ kiểu như một nhân vật chạy đến biển, kẻ thù truy đuổi phía sau. Khi đó, mặt biển liền tách đôi ra để chàng hay nàng trốn thoát.

Thánh Moses dắt 600 ngàn người cùng hành lý tháo chạy, vượt qua bán đảo Sinai.
Thánh Moses dắt 600 ngàn người cùng hành lý tháo chạy, vượt qua bán đảo Sinai.

Cứ ngỡ đó chỉ là truyền thuyết, nhưng các nhà khoa học lại cho rằng “mặt nước tách đôi” hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nói thế nào thì để “rạch mặt” đại dương cũng cần một năng lượng lớn không kém! Đó là “thế lực” nào nhỉ?

Trước tiên, hãy cùng đọc lại một trong những câu chuyện phổ biến nhất về “con đường cắt ngang biển”.

Thánh Moses dẫn người Do Thái vượt Biển Đỏ

Kinh Cựu Ước kể lại rằng, khi xưa người Do Thái phải làm nô lệ ở Ai Cập, cuộc sống vô cùng khốn khổ. Để giải thoát cho dân tộc khỏi cảnh tù đày, một người anh hùng đã vùng lên - đó là thánh Moses. Ông dẫn dắt 600 ngàn người cùng hành lý tháo chạy, vượt qua bán đảo Sinai.

Mặt nước liền tách làm đôi để người Do Thái tiếp tục cuộc hành trình.
Mặt nước liền tách làm đôi để người Do Thái tiếp tục cuộc hành trình.

Các Pharaoh Ai Cập cho quân đội truy cùng đuổi tận. Người Do Thái đã chạy đến Biển Đỏ mà vẫn bị bắt kịp. Giữa lúc nguy nan, mặt nước liền tách làm đôi để người Do Thái tiếp tục cuộc hành trình. Dĩ nhiên quân Ai Cập toan đuổi theo mà không được.

Sự việc sau đó được Kinh Thánh ghi lại rằng: "Thánh Moses giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai Cập đang chạy trốn thì gặp nước biển, Đức Chúa xô ngã quân Ai Cập giữa lòng biển. Nước biển ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pharaoh đã theo dân Do Thái vào lòng biển. Không một tên nào sống sót".

Lời giải thích của khoa học

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khí học Quốc gia (NCAR) và ĐH Colorado ở Mỹ đã mô phỏng bằng máy tính để tìm hiểu xem điều gì thực sự đã diễn ra ở Biển Đỏ.

Các yếu tố được quan tâm bao gồm địa chất dưới mặt nước, sóng và gió.

Cơn gió Đông mạnh mẽ đã thổi suốt đêm, làm mặt nước tách đôi ngay tại vị trí đầm phá ven bờ Bắc của Biển Đỏ.
Cơn gió Đông mạnh mẽ đã thổi suốt đêm, làm mặt nước tách đôi ngay tại vị trí đầm phá ven bờ Bắc của Biển Đỏ.

Cuối cùng, họ đưa ra một kết luận bất ngờ. Theo đó, những cơn gió Đông mạnh mẽ đã thổi suốt đêm, làm mặt nước tách đôi ngay tại vị trí đầm phá ven bờ Bắc của Biển Đỏ (phía bờ Ai Cập). Người Do Thái lần theo con đường “tạm thời” này để chạy trốn trong đêm.

Carl Drews - người dẫn đầu cuộc nghiên cứu - nói: “Việc nước tách làm đôi là do sự chuyển động của dòng chảy.

Gió đã làm nước chuyển động theo cơ chế vật lý nhất định, từ đó mở ra một hành lang an toàn cho người Do Thái. Sau đó, nước trở lại vị trí ban đầu và trùng hợp thay, nó xảy ra đúng thời điểm tảng sáng để nhấn chìm quân Ai Cập”.

Sức gió 100km/h có thể làm mặt nước “dạt” ra với chiều ngang 5km trong suốt 4 giờ đồng hồ.
Sức gió 100km/h có thể làm mặt nước “dạt” ra với chiều ngang 5km trong suốt 4 giờ đồng hồ.

Được biết trong thí nghiệm mô phỏng, sức gió 100km/h có thể làm mặt nước “dạt” ra với chiều ngang 5km trong suốt 4 giờ đồng hồ. Đó là những yếu tố cần thiết giúp hàng trăm ngàn người Do Thái chạy hết quãng đường dài từ 3 - 4km sang bờ bên kia.

Dĩ nhiên các nhà khoa học không tài nào giải thích hết tất cả chi tiết thần thoại, ví dụ như làm sao người ta có thể đi bộ trong sức gió 100km/h? Tuy vậy, giả thuyết đưa ra là số lượng đông của đoàn quân sẽ tạo ra một “bức tường người” bảo vệ.

Nhà nghiên cứu Carl Drews thì nói: “Không một ai muốn làm điều đó. Nhưng xét thấy phía sau là cuộc tận diệt của binh lính Pharaoh, họ chỉ có lựa chọn duy nhất là vượt qua”.

Cập nhật: 20/03/2018 Theo helino
  • 35
  • 6.012