Tư duy theo kiểu Sherlock Holmes

  •   3,85
  • 6.735

Ngày nay, phương pháp suy luận của thám tử Sherlock Holmes, một nhân vật hư cấu của nhà văn Conan Doyle vẫn đang được các nhà thần kinh học nghiên cứu.

Theo BBC, ngay sau khi Andrew John Lees bắt tay vào sự nghiệp y khoa tại Đại học Bệnh viện London, một trong những cấp trên của ông giao cho ông một danh sách sách cần đọc khá lạ. Thay vì các quyển sách cổ lỗ về giải phẫu, nó bao gồm một bộ Sherlock Holmes toàn tập.

Một thám tử hư cấu có thể dạy gì cho một nhà thần kinh học? Theo Lees, dù chuyên môn của bạn là gì, bạn đều có thể có được bài học đầu tiên về cách tư duy duy lý.

Lees chỉ ra, tác giả của Holmes là Conan Doyle, bản thân là một bác sĩ, và có những bằng chứng cho thấy ông sáng tạo ra nhân vật này dựa theo một trong những bác sĩ hàng đầu thời đó, Joseph Bell của bệnh viện hoàng gia Edinburgh.

Bức tượng thám tử Sherlock Holmes.
Bức tượng thám tử Sherlock Holmes. (Ảnh: Alamy).

"Tôi nghĩ là tôi sẽ viết một câu chuyện về một người hùng xử lý tội phạm như cách mà Bell xử lý bệnh tật", Doyle cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1927.

Chú ý vào tiểu tiết

Tuy nhiên, Lees cũng nghi ngờ rằng khi phát triển các câu chuyện của mình, Doyle có thể cũng sử dụng cảm hứng từ một số bác sĩ khác, như William Gowers, người viết cuốn "Hướng dẫn về các căn bệnh hệ thần kinh", được coi là "Bible of Neurology" – thánh kinh về thần kinh học.

Gower thường dạy cho sinh viên của mình bắt đầu chẩn đoán ngay từ thời điểm bệnh nhân bước chân vào phòng khám, như được ghi trong các giải thích lâm sàng của ông.

"Bạn có chú ý ngay từ lúc anh ta bước vào phòng không? Nếu không thì tôi khuyên bạn nên làm như vậy. Một trong những thói quen cần thiết và không được bỏ qua là quan sát bệnh nhân ngay khi họ bước vào, chú ý tới vẻ ngoài và dáng đi. Bạn có thể nhận ra bệnh nhân đi khập khiễng và một số sắc thái khác thường của khuôn mặt".

Đây là điều khá giống với thói quen quan sát và suy luận của Holmes với mỗi người mà thám tử này gặp. Cụ thể, với cả hai người, họ đều chú ý tới những thứ dường như không quan trọng.

"Từ lâu nó đã là chân lý của tôi, những thứ nhỏ nhặt là những thứ cực kỳ quan trọng", Doyle viết.

Giáo sư Andrew John Lees
Giáo sư Andrew John Lees. (Ảnh: Wikipedia).

Cả Gowers là Holmes cũng cảnh báo không nên để các định kiến của bản thân làm sai lệch đánh giá. Với họ, cần bình tĩnh và quan sát thật khách quan. Đây là lý do mà Holmes phê bình cộng sự Watson trong vụ án "Scandal xứ Bohemia": "Anh đang nhìn chứ không phải quan sát. Sự khác biệt là rất rõ ràng".

Hoặc nói theo kiểu của Gowers: "Phương pháp nên áp dụng là, khi gặp một trường hợp không quen thuộc, cần xử lý nó theo đúng cách lần đầu tiên gặp phải, quên đi tất cả những kinh nghiệm trước đây, coi nó là một vấn đề mới, riêng, để điều tra".

Lấy ví dụ một trường hợp mà Gowers áp dụng phương pháp này trong đời thực để nghiên cứu về một bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm với các biểu hiện rối loạn tâm lý tương tự như chứng rối loạn phân ly (hysteria):

"Tôi tình cờ nhìn thấy bản khai của anh ta ghi nghề nghiệp thợ sơn. Từ đó tôi quan sát nướu răng và thấy các dấu hiệu ảnh hưởng đặc trưng của các ảnh hưởng từ nghề nghiệp của anh ta". Như vậy, chỉ đơn giản dùng mắt quan sát những dấu hiệu mà người khác bỏ qua, Gowers đã suy ra được rằng bệnh nhân bị đầu độc bởi các chất nhuộm màu sử dụng hàng ngày trong công việc.

Còn rất nhiều các ví dụ khác, như cách cả hai sử dụng phương pháp "suy luận ngược". Trong trường hợp của Gowers là mổ xẻ tất cả các cách có thể dẫn đến một căn bệnh cụ thể, còn với Holmes là các vụ giết người. Phương pháp này có thể tóm tắt trong câu nói nổi tiếng của Holmes "Khi bạn đã loại trừ mọi khả năng không thể xảy ra, bất cứ cái gì còn lại, dù vô lý, phải là sự thật".

Nhưng có lẽ bài học quan trọng nhất từ Gowers và Holmes, đó là giá trị của việc nhận ra lỗi lầm.

Tiểu thuyết gia Conan Doyle.
Tiểu thuyết gia Conan Doyle. (Ảnh: BBC).

"Các quý ông, chúng ta sẽ luôn cảm thấy dễ chịu khi làm đúng, nhưng nói chung một điều sai sẽ hữu dụng hơn nhiều", Gowers viết. Holmes từng nói: "Tôi thú nhận rằng mình đã bị mù như một con chuột chũi, nhưng nhận ra muộn còn hơn không".

Sự khiêm tốn này là chìa khóa để họ vượt qua những "lời nguyền chuyên gia" đã tấn công rất nhiều con người tài năng và thông minh. Trong vài năm qua, nhà thần kinh học nhận thức Itiel Dror của Đại học College London đã ghi lại rất nhiều trường hợp trong đó các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực y học và khoa học pháp y đã để những định kiến làm ảnh hưởng tới phán đoán của họ, trong cả các tình huống một mất một còn.

Dù bản chất chính xác của các ảnh hưởng của Gowers tới Doyle có là gì, thì những bài học của Holmes ngày nay cũng hỗ trợ rất nhiều cho phương pháp suy luận logic. Ngay cả những công nghệ tiên tiến nhất cũng không bao giờ thay thế được sức mạnh của sự quan sát đơn giản và loại trừ hợp lý. Như Lees nói, các bệnh viện "vẫn là một hiện trường tội ác" – và chúng ta vẫn cần những bộ não sáng suốt nhất để giải quyết những bí ẩn đó. Lees cũng chỉ ra, nếu muốn luyện tập phương pháp suy luận loại trừ, bạn nên đọc đi đọc lại Sherlock Holmes.

Cập nhật: 03/05/2016 Theo VnExpress
  • 3,85
  • 6.735