Tự kiểm tra dấu hiệu mắc ung thư vú qua hình ảnh cắt lát của quả chanh

  •  
  • 1.112

Mới đây, bức ảnh 12 quả chanh mô tả 12 hình thái của ung thư vú đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Có thể bạn nghĩ rằng mình đã biết hết các dấu hiệu sớm về ung thư vú, cho đến khi nhìn thấy hình ảnh này.

Chiến dịch “Hiểu về quả chanh của bạn” thực tế đã được Corrine Ellsworth Beaumont - người sáng lập kiêm giám đốc Tổ chức Ung thư vú toàn cầu, khởi động từ năm 2003 sau khi cô mất cả bà nội và bà ngoại bởi căn bệnh này. Tuy nhiên, hình ảnh quả chanh chỉ thực sự lan rộng sau khi Erin Smith Chieze, một phụ nữ Mỹ, chia sẻ về tình trạng bệnh của mình trên trang Facebook cá nhân.

Erin nói: “Tôi thường xuyên tự kiểm tra ngực mình. Nhưng khi nhìn thấy bức hình này, tôi mới biết rằng mình có vấn đề". Chỉ 5 ngày sau đó, Erin được chẩn đoán bị ung thư vú ở giai đoạn bốn, hạch vú của cô là hạch lặn.

“Ngoài việc núm vú bị chảy máu hay tiết dịch, thì hình dáng bầu vú bị lõm hay dẹt khi bạn giơ tay lên hoặc cúi xuống phía trước cũng có thể là một trong những dấu hiệu rất quan trọng để phát hiện ung thư vú sớm” - giáo sư Jayant Vaidya chuyên về phẫu thuật và ung thư của Đại học University College London cho biết. Vì vậy, hình ảnh biến dạng của quả chanh là một trong những mô tả trực quan và dễ hiểu về căn bệnh này.

Núm vú lõm cũng có thể là một triệu chứng báo hiệu ung thư vú.
Núm vú lõm cũng có thể là một triệu chứng báo hiệu ung thư vú.

Hầu hết phụ nữ tin rằng có hạch nổi trên vú là một triệu chứng rõ nét của ung thư, nhưng hơn 25% phụ nữ lại không hề biết rằng núm vú lõm cũng có thể là một triệu chứng.

Những câu hỏi như: “Liệu tôi có thể sờ thấy khối u không?”, “Da ngực bị đổi màu có đáng lo ngại?”, “Tôi sẽ cảm thấy thế nào khi tự khám ngực cho mình?”… có thể được giải đáp qua hình ảnh cắt lát của quả chanh, đây chính là minh họa dễ hiểu về bầu ngực của bạn. Mô mỡ được ví như phần thịt của quả chanh, còn khối u giống như hạt chanh, cứng và không thể di chuyển được.

Các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên tự kiểm tra ngực ít nhất một lần mỗi tháng. Thời gian tốt nhất là vài ngày sau khi sạch kinh nguyệt.

Khả năng bạn bị ung thư vú là bao nhiêu phần trăm?

1. Theo độ tuổi:

  • 30 tuổi: Cứ 233 người thì có 1 người bị ung thư vú.
  • 40 tuổi: Cứ 69 người thì có 1 người bị ung thư vú.
  • 50 tuổi: Cứ 38 người thì có 1 người bị ung thư vú.
  • 60 tuổi: Cứ 27 người thì có 1 người bị ung thư vú.
  • Trên 60 tuổi: Cứ 8 người thì có 1 người bị ung thư vú.

2. Trong gia đình bạn có ai bị ung thư vú hay không?

''Không”

Bạn có ít khả năng bị ung thư vú. Tuy nhiên, hãy kiểm tra và đến bác sỹ để được tư vấn thường xuyên, vì vẫn có đến 80% phụ nữ bị phát hiện ung thư vú, mà tiền sử gia đình không có ai mắc phải căn bệnh này.

“Có, họ hàng bên nội hoặc ngoại”

Bạn có khả năng bị ung thư vú.

“Mẹ tôi, chị hoặc con gái tôi đã bị ung thư vú”

Nguy cơ của bạn gấp đôi những phụ nữ khác, vì vậy hãy tầm soát ung thư vú ngay khi có thể.

Thói quen sống lành mạnh sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thói quen sống lành mạnh sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bạn có thể làm gì để hạn chế rủi ro mắc ung thư vú?

Thói quen sống lành mạnh sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh, kể cả với những phụ nữ có tỉ lệ rủi ro cao.

  • Hạn chế đồ uống có cồn: Những đồ uống có cồn như rượu, bia, rượu vang,… có khả năng làm tăng nguy cơ bị bệnh.
  • Không hút thuốc: Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hút thuốc lá và bệnh ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh. Hơn nữa, nói không với thuốc lá là điều tốt nhất bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình.
  • Kiểm soát cân nặng: Tăng cân hoặc béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, rủi ro nhiều hơn đối với phụ nữ sau mãn kinh.
  • Hãy tập thể thao: Luyện tập thể thao giúp bạn duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Hãy dành ít nhất 150 phút/tuần để tập một bộ môn nào đó phù hợp với bạn.
  • Cho trẻ bú mẹ: Bú sữa mẹ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp bạn tránh xa nguy cơ bị ung thư vú.
  • Hạn chế liều lượng và thời gian điều trị hormone: Các liệu pháp về hormone kéo dài từ 3 đến 5 năm sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh. Nếu bạn đang sử dụng các thuốc điều trị nội tiết trong thời gian mãn kinh, hãy hỏi bác sỹ các phương pháp thay thế khác ít nguy hại hơn, hoặc cân nhắc sử dụng liều thấp trong một thời gian ngắn để hạn chế mọi nguy cơ.
  • Tránh tiếp xúc với bức xạ và ô nhiễm môi trường: Chỉ thực hiện chụp X-quang khi bác sỹ yêu cầu, bởi nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa ung thư vú và việc tiếp xúc phóng xạ. Ngoài ra, sống trong môi trường ô nhiễm cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Ăn uống lành mạnh: Thói quen ăn uống lành mạnh sẽ bảo vệ bạn khỏi một số căn bệnh ung thư. Sử dụng dầu ôliu, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt.
Cập nhật: 07/06/2017 Theo Đẹp/Vietnam+
  • 1.112