Túi ni-lông, đã tới lúc giã biệt?

  •  
  • 2.932

Vài tháng trở lại đây, các nhà vận động bảo vệ môi trường trên thế giới đã chĩa mũi tấn công vào túi ni-lông vốn một thời “trong sạch” nay bị coi là “thủ phạm” góp phần gây ra “cơn bão môi trường”. Chiến dịch giữ đường phố không còn bóng dáng túi xốp đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước.

Tuần qua, tất cả 33 quận ở Luân Đôn đã trình lên Nghị viện Anh dự luật cấm các cửa hàng, siêu thị “biếu không” túi xách ni-lông cho khách mua hàng. Nếu được thông qua, luật này sẽ giảm đáng kể số túi xốp mà dân Luân Đôn xài mỗi năm, ước tính khoảng 1,6 tỉ cái, và rất nhiều trong số đó bị vứt đi chỉ sau 1 lần dùng.

Động thái trên của Luân Đôn diễn ra sau khi Modbury, thị trấn nhỏ ở hạt Devon (Tây Nam nước Anh) ban hành lệnh cấm sử dụng túi nhựa vào mùa hè qua. Nhiều thành phố trên thế giới cũng bắt đầu chia tay với túi xốp. Năm 2002, Thủ đô Dhaka của Bangladesh ra lệnh cấm phát miễn phí túi ni-lông, và đầu năm nay, San Francisco trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ buộc các siêu thị và hiệu thuốc “nói không” với túi nhựa. 5 năm qua, Ireland đã áp thuế 15% đối với túi xách siêu thị, và năm 2008 Australia cũng sẽ thực hiện tương tự.

(Ảnh: Getty Images, CNN)
Túi nhựa xuất hiện cách đây khoảng 150 năm – do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh, và đến nay, không ai xác định chính xác được thời gian nó phân hủy. Tuy nhiên, các nhà môi trường, khoa học gia và giới sản xuất đều đồng ý rằng quá trình túi ni-lông phân hủy có thể mất đến 1.000 năm. Từ khi xuất hiện trong các siêu thị ở Mỹ vào cuối thập niên 1970, túi xốp đã có mặt khắp mọi nơi, là vật không thể thiếu của người mua hàng trên thế giới. Nó nhẹ, chắc và rẻ hơn so với túi giấy. Ước tính, mỗi năm nhân loại xài khoảng 500 tỉ đến 1.000 tỉ túi nhựa.

Túi ni-lông được sản xuất từ nhựa polyethylene có nguồn gốc từ dầu mỏ và quá trình tự phân hủy của nó diễn ra rất chậm. Thực tế, dưới tác động của ánh sáng, túi xốp vỡ ra thành nhiều phân tử nhựa nhỏ hơn, độc hại hơn và cuối cùng gây ô nhiễm cho đất và nguồn nước. Chúng có thể len lỏi vào thức ăn của động vật và con người. Khi không được vứt ra bãi rác hoặc đốt bỏ, túi nhựa thường được nước đưa ra biển thông qua đường cống thải, sông rạch. Theo Cơ quan Khảo sát Nam cực Anh Quốc, túi nhựa được thấy trôi nổi ở vùng biển phía Bắc Bắc cực trong khi Trung tâm bảo tồn môi trường biển của Mỹ gần đây cho biết túi nhựa chiếm hơn 10% số rác tấp vào đường bờ biển nước này. Túi ni-lông có thể là thảm họa kết liễu đời sống của nhiều sinh vật. Theo Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới, nhiều cá thể thuộc khoảng 200 loài sinh vật biển (như cá voi, cá heo, hải cẩu, rùa...) đã chết sau khi nuốt phải túi ni-lông do nhầm là thức ăn; nhiều loài thủy sản cũng bị chết ngộp khi chui vào túi ni-lông.

Trong bối cảnh vấn đề môi trường đang trở thành tiêu điểm toàn cầu, các siêu thị ở nhiều nước cũng đã nhập cuộc. Túi xách làm từ nhựa tái chế, túi ni-lông tự hủy từ bột bắp hay túi xách dùng nhiều lần có mặt ngày càng nhiều tại các quầy tính tiền trong siêu thị. Trong khi đó, công ty Symphony Environmental Technologies (Anh) đã phát triển được công nghệ sản xuất túi nhựa thân thiện hơn với môi trường bằng cách thêm chất phụ gia d2w vào polyethylene trong quá trình sản xuất. Trung bình, loại túi này sẽ tự hủy sau 2 năm và các phân tử nhỏ khi rã ra sẽ vô hại với vi sinh vật.

Trước câu hỏi có nên cấm dùng túi ni-lông, ông Michael Laurier – tổng giám đốc Symphony Plastics cho rằng không nên, và dẫn chứng khi Ireland đánh thuế vào túi ni-lông, doanh số mặt hàng này giảm 90% nhưng doanh số túi nhựa đựng rác lại tăng thêm 400%. Ông cũng chỉ ra rằng túi nhựa làm từ bột bắp về lầu dài có thể gây hại cho môi trường nhiều hơn so với túi ni-lông thông thường. “Khi loại túi nhựa sản xuất từ bột bắp bị vứt ra bãi rác, trong quá trình phân hủy, chúng giải phóng methane – khí gây hiệu ứng nhà kính cực mạnh”. Hiệp hội Nhựa Tự hủy Anh quốc cho rằng một số loại nhựa tự hủy (trong đó có loại làm từ bột bắp) chứa đến 50% thành phần nhựa nhân tạo có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Đó là chưa nói nhân loại có thể phải “trả giá” đắt hơn trong việc sản xuất túi xách từ những nguyên liệu thay thế như bột bắp hoặc dầu cọ. Mới đây, một báo cáo của tổ chức môi trường Hòa bình Xanh báo động thực trạng phá hủy rừng trên diện rộng ở Indonesia để trồng cọ nhằm đáp ứng nhu cầu dầu cọ đang tăng cao. Đất vốn là kho dự trữ khí carbon hiệu quả. Đốt rừng không khác nào giải phóng hàng tấn khí các-bô-níc (CO2) vào bầu khí quyển. Vấn đề là trong tương lai chúng ta sẽ sử dụng thứ gì để mang hàng hóa về nhà? Peter Robinson – Giám đốc tổ chức Theo dõi Rác thải ở Luân Đôn nói: “Trước hết và quan trọng hơn hết là phải hạn chế dùng túi ni-lông đồng thời khuyến khích việc sử dụng túi xách có thể tái sử dụng nhiều lần”.

ĐÔNG NGUYÊN

Theo CNN, AAP, Telegraph, Báo Cần Thơ
  • 2.932