Ứng dụng CNTT-TT tại An Giang: Hiện trạng và giải pháp

  •  
  • 117

Hoạt động khảo sát trên nằm trong khuôn khổ quá trình triển khai Đề Án "Hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010" (ĐA 191) do tỉnh An Giang và Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp thực hiện. Sở BCVT An Giang đã tiến hành phỏng vấn trực tiếp đại diện của 483 DN trên địa bàn 11 huyện, thị, thành của tỉnh, trong đó 25% DN có vốn dưới 1 tỉ và 75 % trên 1 tỉ đồng. Trong số các DN được phỏng vấn, công ty TNHH và DN tư nhân chiếm đa số: 87,37%. Nếu phân theo ngành kinh doanh, số lượng DN xây dựng và vận tải được khảo sát nhiều nhất, 22,77%; thương mại 20,08%; sản xuất chế biến nông sản thực phẩm 15,94%. Còn lại là các ngành: kinh doanh xăng dầu 9,52%; du lịch khách sạn 7,87%; sản xuất chế biến thủy sản 2,69%...

DN quy mô nhỏ, thiếu nhân lực CNTT

Khảo sát cho thấy qui mô DN tại An Giang phần lớn là nhỏ. Số lao động bình quân/DN là 53 người. DN dưới 50 lao động chiếm gần 79%.

Chỉ có 15% DN được khảo sát chưa trang bị máy tính. Tuy nhiên, số lượng máy tính trong DN còn thấp. Bình quân quân chung 7,8 máy/DN. Có đến 78% DN có số máy vi tính dưới 10.

Phần lớn DN đã có máy tính nhưng tỉ lệ ứng dụng phần mềm (PM) chuyên dụng còn thấp, chỉ khoảng 25%. Các lý do chính được các DN đưa ra là:

- PM không phù hợp với quy trình: 48,24%.

- Trình độ nhân viên chưa đủ: 46,17%.

- Khó khăn do chi phí cao: 28,57%.

- Khó khăn do PM chưa được Việt hóa: 12,22%

- PM lỗi nhiều, không ổn định: 11,59%.

- Giao diện các PM chưa thân thiện: 8,28%

Các DN vẫn đánh giá cao hiệu quả ứng dụng các PM: 45% đánh giá cao, 39% đánh giá trung bình, chỉ có 14% đánh giá thấp. Điều này cho thấy, mặc dù các chương trình PM vẫn còn những nhược điểm cần khắc phục nhưng DN đã nhận thức được hiệu quả.

Chỉ có 7% DN được khảo sát đã xây dựng website; còn lại 93% chưa có website. Trong số các DN chưa có website, hơn một nửa (55%) vẫn cho rằng không cần có website trong thời gian tới.

Đáng nói là có đến 53,2% DN chưa kết nối Internet; 27,1% kết nối quay số; 23% kết nối ADSL, còn lại 4,8% thuê đường truyền hoặc kết nối khác. Tỉ lệ kết nối Internet tính chung là 46,79%, có thể xem là ở mức trung bình, cho thấy DN bước đầu đã nhận thức sự cần thiết của TMĐT. Tuy nhiên nếu xét về mức độ ứng dụng TMĐT thì còn rất thấp: 96,1% chưa ứng dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng qua mạng. Chỉ có 27% DN đánh giá cao hiệu quả ứng dụng TMĐT, trong khi có đến 68% cho rằng TMĐT chỉ mang lại hiệu quả trung bình hoặc thấp.

Kết quả khảo sát kỹ năng ứng dụng CNTT cho thấy nguồn nhân lực CNTT trong DN tại An Giang đang rất thiếu. Đến 81,6% DN thiếu nhân viên có chứng chỉ chuyên sâu về CNTT. Số lượng nhân viên thiếu kỹ năng tin học cơ bản tại các DN cũng đang ở mức cao, đến 66% DN có ít hơn 40% nhân viên biết kỹ năng tin học cơ bản.

Hướng nào cho ĐA 191?

Qua khảo sát, có thể thấy để triển khai hiệu quả ĐA 191 tại An Giang, VCCI và Sở BCVT cần lưu ý:

- Đặc điểm quy mô nhỏ của DN. Không áp đặt mô hình của các DN lớn cho các DN nhỏ.

- Đào tạo nguồn nhân lực cho DN là yêu cầu hết sức cần thiết, cho cả cấp lãnh đạo DN lẫn nhân viên.

- DN rất cần đến sự tư vấn, hỗ trợ của các dịch vụ CNTT (có đến 65% DN có yêu cầu) nhất là về các thiết bị cơ bản, hệ thống mạng LAN, WAN; các PM cơ bản ứng dụng trong văn phòng, các PM quản lý như kế toán, quản lý nhân sự tiền lương; tư vấn về mua sắm phần cứng, sửa chữa thiết bị, giải pháp lưu trữ, nâng cấp trang web v.v...

- Cần có chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện để DN biết, hiểu hơn để tham gia TMĐT sâu và rộng hơn.

Thực hiện: Phan thanh Hải - Bích Ty - Quốc Triệu

Theo PC World VN
  • 117