Ưu tiên cho công nghệ tiên tiến

  •  
  • 219

Rác thải là một vấn nạn, song rác thải cũng là nguyên liệu sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị cao. Xử lý rác thải như thế nào để vừa giải quyết được vấn nạn rác làm ô nhiễm môi trường và vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho thành phố? Vừa qua, UBND TPHCM đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM xây dựng các tiêu chí kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác nhằm đáp ứng được các yêu cầu ấy. Nhà đầu tư nào sẽ được tham gia xử lý rác thải ở thành phố? Ông NGUYỄN VĂN CHIẾN, Phó Giám đốc Thường trực Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết:

Tham gia xử lý rác, nhà đầu tư không phải trả tiền thuê đất

Về nguyên tắc, tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều được tham gia nếu thỏa những điều kiện như sau: Đối với các dự án đầu tư nước ngoài, chủ đầu tư phải chứng minh đã có sẵn 20% vốn tự có so với tổng quy mô đầu tư của dự án.

Đối với các dự án đầu tư trong nước, chủ đầu tư phải chứng minh đã có sẵn 30% vốn tự có so với tổng mức đầu tư. Phần vốn còn lại phải có cam kết bảo lãnh của ngân hàng.

Vận chuyển rác vào chôn tại bãi rác Gò Cát. (Ảnh: Cao Thắng)

Các nhà đầu tư này phải có các dự án xử lý rác với công suất xử lý rác thải đô thị lớn hơn hoặc bằng 500 tấn/ngày hoặc có các dự án xử lý rác công nghiệp có công suất lớn hơn hoặc bằng 200 tấn/ngày. Nếu thỏa được các điều kiện này, nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ đăng ký đầu tư với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trên cơ sở những hồ sơ ấy, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với Tổ công tác liên ngành (bao gồm Sở Kế hoạch-Đầu tư, Tài Chính, Khoa học công nghệ, Tư pháp, Công nghiệp) xét duyệt, chọn lựa nhà đầu tư theo hướng ưu tiên số 1 cho nhà đầu tư có công nghệ xử lý tiên tiến.

Trong đó, nhà đầu tư đưa ra được phương án xây dựng khu liên hợp, tổ hợp xử lý chất thải rắn để thu khí phát điện, tái chế rác, xử lý nước rỉ rác sẽ được ưu tiên nhất. Các thang bậc về công nghệ được lựa chọn lần lượt tiếp theo là công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh trong thùng kín, thu phí phát điện; đốt rác kết hợp phát điện; sản xuất khí CH4 kết hợp phát điện; sản xuất phân hữu cơ vi sinh và vật liệu xây dựng; xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Ngoài ưu tiên về công nghệ, nếu nhà đầu tư có giá tiền xử lý chất thải thấp và tái chế được nhiều sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường, được các cơ quan quản lý chất lượng xác nhận thì cũng được “tính thêm điểm”.

- Quá nhiều yêu cầu…, liệu Sở có khó khăn quá khi chọn nhà đầu tư không, nhất là khi đối với thành phố, rác vẫn là vấn nạn hơn là nguyên liệu?

- Hiện tại đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ ý định đầu tư vào xử lý rác thải ở TPHCM với nhiều công nghệ khác nhau như đốt, chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thu khí phát điện… Một số dự án của những nhà đầu tư này đang được chúng tôi xem xét như dự án sản xuất phân vi sinh, tái chế nhựa công suất 1.000 tấn/ngày của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, dự án sản xuất phân hữu cơ vi sinh công suất 500 tấn/ngày của Công ty Waste to Energy (Singapore), dự án đốt rác thành điện công suất 2.000 tấn/ngày của Công ty Keppel Segher (Bỉ)…

Trong khi đó, lượng rác thải của thành phố lại chỉ có khoảng 5.500 tấn/ngày. Do vậy, để dự án được lựa chọn công minh, tính khả thi cao và mang lại hiệu quả kinh tế cho thành phố, chúng tôi đã đưa ra nhiều tiêu chí lựa chọn.

- Tham gia đầu tư xử lý chất thải rắn cho thành phố, nhà đầu tư có được ưu đãi gì không?

- Thành phố sẽ giao đất đã đền bù, giải tỏa xong cho nhà đầu tư và nhận đất này nhà đầu tư không phải trả tiền thuê đất. Thành phố cũng sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường, điện, thông tin liên lạc đến tận khu vực thực hiện dự án; chịu trách nhiệm vận chuyển rác đến nơi xử lý rác và nếu nhà đầu tư xử lý rác thành điện thì thành phố sẽ mua lại với giá khoảng 4 cent (USD)/kW.

Triển khai cơ chế phát triển sạch (CDM): nhà đầu tư phải đảm bảo 100% vốn cho dự án

- Nghị định thư Kyoto nhằm triển khai Khung công ước của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đã đồng thuận giảm nồng độ các khí gây biến đổi khí hậu toàn cầu xuống. Nghị định thư cũng cho phép các nước phát triển đạt được lượng giảm khí thải của họ bằng cách thiết lập các dự án giảm thiểu khí nhà kính tại các nước đang phát triển. Trên cơ sở này, hiện đang có nhiều công ty từ các nước phát triển như Nhật, Hà Lan, Hàn Quốc… đặt vấn đề giảm khí thải tại hai bãi rác: Đông Thạnh và Phước Hiệp 1 của thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng tiêu chí thế nào để kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực này?

- Để được tham gia vào các dự án CDM nhà đầu tư phải đảm bảo 100% vốn cho toàn bộ các hoạt động liên quan đến dự án; ưu tiên cho những nhà đầu tư có trang thiết bị được thiết kế và sản xuất tại các nước G8 (điều này nhằm giảm thiểu rủi ro hoạt động không hiệu quả của thiết bị) và mức thu hồi khí cao nhất. Thành phố khuyến khích các đơn vị có kinh nghiệm triển khai các dự án CDM tại các nước đang phát triển ở châu Á tham gia.

- Nhà đầu tư có thể nộp hồ sơ ở đâu và phải đợi bao lâu mới nhận được ý kiến trả lời chính thức của sở về hồ sơ của mình trong việc đầu tư các dự án CDM và xử lý rác?

- Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở và Tổ công tác liên ngành sẽ xem xét hồ sơ và trả lời cho nhà đầu tư trong vòng 10-15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ.

NGUYỄN KHOA

Theo Sài Gòn giải phóng
  • 219