Vào mạng bao lâu mỗi ngày thì bị "nghiện" mạng xã hội và rối loạn tâm thần?

  •  
  • 842

Các nhà nghiên cứu đang cố tìm bằng chứng để trả lời cho câu hỏi "liệu việc nghiện mạng xã hội có phải là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tâm thần hay không".

Người ta thường dùng dòng miêu tả "một con nghiện mạng xã hội" như một câu đùa trên những mạng xã hội như Twitter hay Instagram. Trên LinkedIn, họ còn dùng dòng miêu tả trên để thu hút sự chú ý từ các công ty xã hội đang tìm kiếm những người am hiểu về không gian kĩ thuật số. Nhưng biết đâu, trong một ngày không xa nữa thôi, nó sẽ không còn là một câu đùa nữa, mà sẽ trở thành một triệu chứng về vấn đề tâm thần thực sự. Bởi đang có một cuộc nghiên cứu giúp trả lời câu hỏi "liệu chúng ta có nên xếp việc xử dụng mạng xã hội bất hợp lí vào danh sách những triệu chứng của bệnh rối loạn tâm thần hay không".

Những biểu tượng của các mạng xã hội được nhiều người sử dụng.
Những biểu tượng của các mạng xã hội được nhiều người sử dụng.

Hiện nay trên thế giới có hai tổ chức chuyên phân loại các vấn đề về rối loạn tâm thần: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APS). Để đưa một đặc điểm vào danh sách hành vi của chứng rồi loại tâm thần, đặc điểm đó phải phù hợp với những tiêu chuẩn nhất định, và cách duy nhất để chứng minh đó chính là dựa trên một số lượng lớn những nghiên cứu. Có lẽ đây là lí do tại sao đến tận tháng Một năm nay, chứng nghiện trò chơi điện tử mới được WHO liệt kê vào danh sách hành vi của chứng rối loạn tâm thần.

Điểm thú vị là một trong những người đã góp phần chứng minh sự thật trên hiện cũng đang là người dành cả một quãng thời gian dài cho nghiên cứu những vấn đề như nghiện cờ bạc, nghiện Internet và việc sử dụng mạng xã hội quá mức. Chuyên gia Mark Griffiths từ Đại học Nottingham Trent tin rằng việc quá say mê sử dụng mạng xã hội chính là những dấu hiệu ban đầu của chứng nghiện.

Trong những nghiên cứu của mình, Griffiths đã tìm ra rằng những cưỡng bức công nghệ bao gồm hành vi nghiện mạng xã hội đều có những dấu hiệu chung với chứng nghiện các chất hóa học bao gồm nghiện hút thuốc hay nghiện rượu. Những chứng nghiện này để gây ra sự ra đổi về tính cách, xa lánh cộng đồng, dễ nổi cáu và tái phạm.

Nhưng nhân tố quan trọng trong mỗi nghiên cứu chính là việc ở mỗi người khác nhau thì sẽ lại có một mức sử dụng an toàn khác nhau.

Griffiths giải thích: "Ví dụ, khi tôi nghiên cứu về chứng nghiện trò chơi điện tử, tôi đã được chứng kiến rất nhiều game thủ dành nhiều thời gian quá mức nhưng tôi lại không tìm được những ảnh hưởng tiêu cực tác động lên cuộc sống của họ. Tuy việc chơi trò chơi điện tử trong một thời gian dài có thể gây ra béo phì hay những vấn đề do ít vận động khác, nhưng trên phương diện nghiện thì lại khó có thể xác nhận được".

Điều này cũng có nghĩa, miễn là việc chơi trò chơi điện tử không ảnh hưởng tới việc làm hay những mối quan hệ cá nhân của người chơi, thì đó không phải là điều đáng lo ngại. Việc đặt giới hạn về thời gian sử dụng mạng xã hội thực sự "không giải quyết được cốt lõi của vấn đề. Dù là hai người khác nhau làm cùng một việc giống hệt nhau nhưng sẽ có những khác biệt lớn nếu một người có nghề nghiệp, bạn đời và con cái trong khi người kia thì không".

Điều này chỉ ra rằng thời gian người dùng nhìn vào màn hình không phải là một phép đo chính xác để chứng minh rằng họ đang sử dụng nền tảng mình thích một cách tiêu cực. Thực tế này cũng được thể hiện trong một bài khảo sát nhỏ do được thực hiện bởi tài khoản Twitter của BBC Future.

Việc quá say mê sử dụng mạng xã hội chính là những dấu hiệu ban đầu của chứng nghiện.
Việc quá say mê sử dụng mạng xã hội chính là những dấu hiệu ban đầu của chứng nghiện.

Theo kết quả của bài khảo sát thì có khoảng 40% trong số 554 người tham gia cho rằng dành thời gian nhiều hơn từ 2-3 tiếng mỗi ngày quá nhiều, nhưng có một sự thật mà ai cũng biết là đa phần chúng ta đều dành ít nhất hai tiếng mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội hoặc để nhắn tin. Đồng thời, hầu hết người dùng Internet đều không có mối quan hệ bệnh lý với mạng xã hội, điều này tương đương với việc 2-3 tiếng mỗi ngày không phải là quá nhiều. Có một thống kê cho thấy rằng 1/3 số người trong độ tuổi 15 tại Anh đều dành ít nhất sáu tiếng mỗi ngày để sử dụng Internet và đa phần trong số thời gian đó là để sử dụng mạng xã hội. Dù với tần suất sử dụng lớn như vậy nhưng điều đó không có nghĩa là nhóm người trẻ tuổi này đều có đang gặp vấn đề về tâm lý. Chính bởi vậy, yếu tố thời gian chỉ là một trong nhiều yếu tố khác mà chúng ta cần cân nhắc.

Vậy thì, nếu không phải là do thời lượng sử dụng Internet thì điều gì sẽ định nghĩa chứng nghiện mạng xã hội hoặc yếu tố nào sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về nhóm người có nguy cơ mắc triệu chứng này?

Vào năm 2011, Griffiths và đồng nghiệp của mình đã công bố báo cáo nghiên cứu đầu tiên của mình về chứng nghiện mạng xã hội. Vào thời điểm đó mới chỉ có 3 nghiên cứu với hướng tới đối tượng tương tự. Họ nhận ra rằng những người hướng ngoại sử dụng mạng xã hội là để cũng cố những mối quan hệ cộng đồng, còn người hướng nội thì lại dùng chúng để che lấp những khoảng trống về mạng xã hội mà họ đang thiếu. Hai nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng, những ai dành càng nhiều thời gian trên mạng xã hội thì lại càng có xu hướng giảm thời lượng tham gia vào các hoạt động ngoài đời thực. Vào năm 2014, trong một bản báo cáo khác, họ chú thích thêm rằng việc sử dụng mạng xã hội sẽ đem lại cho người dùng những "phần thưởng cảm xúc"; và để giảm bớt những trạng thái cảm xúc khó chịu, họ lại tiếp tục sử dụng mạng xã hội, điều này đôi khi sẽ dẫn tới tâm lý phụ thuộc.

Và một báo cáo quy mô lớn được công bố vào năm 2017 vừa qua đã chỉ ra rằng những người thường xuyên bộc lộ những hành vi của vấn đề nghiện mạng xã hội sẽ đa phần rơi vào nhóm phụ nữ trẻ tuổi và còn đang độc thân. Nhóm người này thường là những người có xu hướng hưởng trình độ giáo dục, thu nhập và độ tự trọng thấp hơn.

Lí giải cho điều này, Griffiths nói: "Vấn đề của sử dụng mạng xã hội ở chỗ nó là hành vi xã hội. Do những khác biệt về mặt giới tính, nhóm nữ điển hình sẽ có xu hướng hòa đồng với xã hội hơn là nhóm nam điển hình".

Sử dụng mạng xã hội
Thời gian người dùng nhìn vào màn hình không phải là một phép đo chính xác để chứng minh rằng họ đang sử dụng nền tảng mình thích một cách tiêu cực.

Theo Griffiths thì yếu tố tiềm ẩn liên quan tới chứng nghiện mạng xã hội nằm ở nội dung và bối cảnh sử dụng chứ không phải số giờ đồng hồ sử dụng. Tuy nhiên trong bài phát biểu của mình tại một sự kiện về mạng xã hội và sức khỏe tâm thần, ông lại kết luận rằng nguyên nhân đằng sau của chứng nghiện mạng xã hội vẫn còn là một ẩn số. Đó có thể là do hội chứng FOMO (Fear of missing out), hội chứng sợ bản thân sẽ bỏ lỡ một điều gì đó. Chứng nghiện điện thoại thông minh cũng có thể là một phần của nó, và được biết đến với cái tên là hội chứng nomophobia, hội chứng lo sợ do không mang theo điện thoại bên mình. Nhưng điều đáng nói là dữ liệu thu thập được từ cuộc nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu này lại chủ yếu nhắm vào Facebook chứ không phải là những nền tảng chia sẻ hình ảnh như Instagram hay Snapchat.

Điều này cho thấy, chứng nghiện mạng xã hội chính là một trong những giai đoạn chính hướng tới hậu quả cuối là căn bệnh rối loạn tâm thần. Nhà tâm lý học về mạng xã hội tại đại học Oxford, Amy Oben, nói rằng, cho tới hiện tại, cô vẫn còn hơi dè dặt trong việc khẳng định nghiện mạng xã hội là một triệu chứng của nghiện theo đúng nghĩa. "Chúng tôi không có nhiều bằng chứng để làm rõ liệu những tác động của mạng xã hội là tốt hay là xấu. Chúng tôi cũng cần phải chắc chắn rằng mình đang không cường điệu hóa cả những hành vi thông thường".

Dù chưa thể phân loại được là hại hay lợi nhưng chúng ta chắc chắn rằng vẫn có những mặt tiêu cực khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng những người trẻ tuổi có xu hướng dành hơn hai tiếng mỗi ngày sử dụng mạng xã hội sẽ dễ mắc các vấn đề về tâm lí hơn những nhóm khác. Nếu bạn là người dùng mạng xã hội ảnh Instagram, bạn sẽ thấy có hàng tá những bộ lọc có vẻ "hút hồn" để bạn lựa chọn nhưng sự thực thì những bộ lọc ấy chính là thứ khiến cho nhiều người dùng cảm thấy cuộc sống mình đang không hoàn hảo như của người khác. Và cũng thật sự có một chút bất ngờ là Instagram lại được bình chọn là nền tảng mạng xã hội không phù hợp cho sức khỏe tâm lý của nhóm người trẻ tuổi trong một cuộc khảo sát tại Anh. Song ngược lại với những phiếu khảo sát ấy là sự tăng trưởng thần kì về số người tham gia sử dụng Instagram; hiện tại đã có trên 800 triệu người trên toàn thế giới đang sử dụng mạng xã hội này.

Chúng ta hiểu rằng luôn có một mối liên hệ trực tiếp nào đó giữa việc sử dụng mạng xã hội và chứng tự kỷ nhưng vẫn có những bài nghiên cứu khác chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội không hoàn toàn mang lại chỉ những tác động tiêu cực. Trong một báo cáo được công bố vào năm 2017, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, mối tương quan giữa thời lượng sử dụng mạng xã hội và độ hạnh phúc của người dùng có dạng là một biểu đô hình chữ U ngược. Họ gọi đó là Giả thuyết Goldilocks: khi thời lượng sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng càng tăng thì sẽ có những tác động tích cực về mặt hạnh phúc, nhưng đó chỉ là một xu hướng ngắn của biểu đồ. Và sau đó khi thời lượng sử dụng càng tăng, mức độ hạnh phúc sẽ giảm xuống. Điều này được thể hiện trong biểu đồ bên dưới với trục tung là mức độ hạnh phúc về tinh thần và trục hoành là thời lượng sử dụng.

Giả thuyết Goldilocks

Nhóm nhiên cứu này nhận thấy thời lượng sử dụng vừa đủ sẽ "hoàn toàn không có hại mà đó có thể là những lợi thế chúng ta nên tận dụng trong thời đại thế giới kết nối hiện nay". Một tác giả khác từ trường Đại học Oxford cũng nói với trang BBC Future rằng: "Nếu chúng ta không kết nối hoặc không có những giới hạn về thời lượng sử dụng trong gia đình thì chính gia đình đó hoặc chính những đứa trẻ đó sẽ trở thành dị biệt".

Ông còn nói thêm: "Nếu có một mức độ tốt, thì đó sẽ là phần tốt đẹp trong cuộc đời của đứa trẻ đó, nhưng cho tới khi con số đó dần kéo dài thành năm, sáu hoặc bảy tiếng một ngày thì đó chính là vấn đề".

Khi một ai đó dành quá nhiều thời gian cho mạng Internet, có một giải pháp đơn giản đó chính là sử dụng những tin nhắn nhắc nhở. Griffiths cho rằng: "Phương thức thông báo này được chúng tôi thiết kế để chắc chắn rằng những thông báo tới người dùng không mang tính chất phán xét hay gây bức xúc. Điều bạn cần làm đó chính là đưa cho họ những thông tin thông thường để họ có thể tự so sánh hành vi của mình với những người khác. Những thông báo kiểu vậy sẽ không hề khẳng định mức độ sử dụng trên là tốt hay xấu".

Khuyến khích mọi người tự nhận thức thông qua phương pháp này có thể sẽ là hướng đi mới về vấn đề sử dụng mạng xã hội. Những sự so sánh mang tính cộng đồng này sẽ giúp cho từng cá nhân hiểu rằng liệu mức độ sử dụng của họ có quá khác biệt với đồng nghiệp của họ không. Một cậu bé vị thành niên dùng vài tiếng mỗi ngày cho mạng Internet có thể là điều chấp nhận được nhưng khi một thông báo hiện ra lúc ba giờ sáng với nội dung là: "3% những người thuộc nhóm tuổi của bạn đang online ngay lúc này", thì bạn sẽ nhận thấy rằng việc dành thời gian quá nhiều cho Internet là điều không tốt.

Nhưng nếu chứng nghiện mạng xã hội được liệt kê vào nhóm bệnh về rối loạn tâm thần thì khả năng tự nhận thức về mối nguy của mạng xã hội sẽ trở nên chậm trễ. Lúc đó, cái chúng ta cần nhất chính là tự đặt ra những giới hạn cho bản thân.

Cập nhật: 25/01/2018 Theo vnreview
  • 842