Vết đen khổng lồ trên bề mặt Mặt Trời

  •  
  • 6.039

Vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại hình ảnh của lỗ nhật hoa màu tối sẫm ở gần vùng cực của Mặt Trời.

Lỗ nhật hoa màu tối sẫm ở vùng cực của Mặt Trời
Lỗ nhật hoa màu tối sẫm ở vùng cực của Mặt Trời. (Ảnh: NASA).

Theo NASA, lỗ nhật hoa là những khu vực khí loãng ở khí quyển Mặt Trời. Do chứa ít vật chất thuộc Mặt Trời, chúng có nhiệt độ thấp hơn và màu sắc sẫm hơn khu vực xung quanh. Lỗ nhật hoa có thể nhìn thấy dưới ánh sáng cực tímbước sóng X-quang.

Các nhà khoa học chưa hiểu rõ nguyên nhân khiến lỗ nhật hoa xuất hiện trên Mặt Trời. Nhưng đây là nguồn phát ra gió Mặt Trời siêu mạnh, có vận tốc nhanh gấp ba lần những cơn gió Mặt Trời ở khu vực khác. Gió Mặt Trời là dòng plasma chứa các hạt tích điện bắn phá từ Mặt Trời. Khi một dòng plasma tiếp xúc với từ quyển của Trái Đất, nó có thể gây ra bão từ, dẫn đến hiện tượng đẹp mắt như Bắc cực quang hoặc hậu quả nghiêm trọng như làm gián đoạn nguồn cung cấp điện và thông tin liên lạc.

Trong giai đoạn cực tiểu Mặt Trời, thời kỳ kéo dài khoảng 11 năm khi Mặt Trời tương đối yên tĩnh, lỗ nhật hoa xuất hiện gần vùng cực, tương tự như hình ảnh do vệ tinh Solar Dynamics Observatory (SDO) của NASA ghi hình vào đầu tháng 5.

Vệ tinh SDO bay vào quỹ đạo Trái Đất năm 2010, mang theo một loạt trang bị đặc biệt để quan sát Mặt Trời.

Cập nhật: 29/05/2016 Theo VnExpress.net
  • 6.039