Vì sao đàn ông thích gây chiến?

  •   3,73
  • 2.677

Xu hướng tình dục nam giới bị cho là nguyên nhân gây nên hầu hết các cuộc xung đột trên thế giới.

Với bản chất chiến binh, đàn ông được “lập trình” để trở nên hung hăng đối với bất cứ ai họ cho là kẻ ngoài cuộc. Về khía cạnh tiến hóa, điều này giúp những đàn ông đầu tiên giành được quyền tiếp cận nhiều hơn đối với bạn tình. Nếu xét ở thời hiện đại, nó được diễn dịch thành những cuộc chiến tranh quy mô lớn. Ngược lại, phụ nữ được trời phú cho thái độ “săn sóc và làm bạn”, nghĩa là họ hướng đến giải quyết tranh chấp một cách hòa bình nhằm bảo vệ con cái.

Vì sao đàn ông thích gây chiến?

Đó là nội dung bài viết đăng trên chuyên san Philosophical Transactions of the Royal Society B, dựa trên chứng cứ tiến hóa của cái gọi là “giả thuyết chiến binh nam”. Giả thuyết này cho rằng trong mỗi nền văn hóa xuyên suốt lịch sử, đàn ông thường sử dụng bạo lực hơn so với đàn bà khi đối mặt với những người mà họ cho là ngoại lai. Thái độ “bộ lạc” của phái mạnh, mà mục đích tối hậu là tăng cường khả năng sinh sản của chính họ, cũng tương tự như hành vi khoanh vùng và liên tục canh gác biên giới lãnh thổ ở loài tinh tinh. Cuộc nghiên cứu cũng xem xét chứng cứ cho rằng đàn ông có ý thức về nhân dạng hơn nữ giới, và họ sẽ phát triển mối quan hệ chặt chẽ với những người khác trong nhóm mình nếu lâm vào hoàn cảnh phải cạnh tranh với đối thủ.

Mặc dù phản ứng thù địch ở phái mạnh hầu hết để chống lại mối đe dọa từ bên ngoài, thái độ này có thể không còn thiết thực trong thời hiện đại và thường phản tác dụng, theo Telegraph dẫn lời các chuyên gia. Trong quá khứ, những phản ứng hằn học như vậy đều dẫn đến kết quả là các cuộc chiến toàn diện giữa các nước, hoặc các trận ẩu đả gần đây giữa những nhóm fan cuồng của các đội bóng (điển hình là tình trạng hooligan ở Anh). Trưởng nhóm nghiên cứu là giáo sư Mark van Vugt của Đại học Oxford cho biết đầu óc con người đã được định hình theo khuynh hướng xung đột với kẻ khác để tranh giành lãnh thổ và kiếm được nhiều bạn tình hơn. Tình trạng này dễ thấy nhất ở loài tinh tinh, khi con đực không ngừng quan sát lãnh địa của mình. Nếu một con cái khác từ đâu đi đến, nó có thể nhận được yêu cầu gia nhập đàn mới. Nhưng khi một con đực đi lạc quá xa, nhiều khả năng nó bị đánh đến chết.

Kết quả nghiên cứu năm 2008 của các chuyên gia California (Mỹ) cho thấy quá trình tiến hóa của hành động xâm lược và lòng dũng cảm của đàn ông chỉ nhằm một mục đích là tranh giành phụ nữ hoặc lãnh thổ mới. Theo đó, gene của con người có thể tác động lớn đến những đặc điểm tiêu biểu của phái mạnh như khả năng chiến đấu. Lịch sử cho thấy những nhóm mạnh nhất giành được nhiều đất đai nhất và loại bỏ những nhóm yếu hơn. Dần dần, gene của kẻ thắng được truyền cho thế hệ sau, trong khi những kẻ bại trận, ít hiếu chiến hơn cam chịu cảnh tuyệt diệt. Có một số ví dụ lịch sử liên quan đến xu hướng trên, như Thành Cát Tư Hãn của đế quốc Mông Cổ hiện có đến 16 triệu hậu duệ nam giới trực hệ, do tham vọng bành trướng lãnh thổ và thực hiện thành công mục tiêu đó. Các thế hệ cướp biển Viking hoành hành Bắc Âu thời xưa cũng đã để lại dấu ấn gene mạnh mẽ tại các khu vực như quần đảo phía tây của Scotland, đảo Skye và Iceland.

Theo Thanh Niên
  • 3,73
  • 2.677