Vì sao Essjay của Wikipedia ra đi?

  •  
  • 219

Tháng 7-2006, Wikipedia vinh danh một biên tập viên kỳ cựu, một quản trị viên cao cấp. Ông là TS về tôn giáo học và đang giảng dạy ở một trường ĐH tại Mỹ nhưng vẫn bỏ nhiều thời gian chỉnh sửa để cuốn từ điển trực tuyến này thêm chính xác.

Cũng như mọi thành viên trên Wikipedia, ông có bí danh là Essjay.

Đến cuối tháng rồi, chủ tịch kiêm người sáng lập Wikipedia Jimmy Wales bổ nhiệm Essjay làm thành viên Ủy ban phân xử. Ở chức vụ này, quyết định của Essjay cùng 11 người khác được xem là phán quyết cuối cùng trong các vụ kiện tụng về chỉnh sửa nội dung giữa những thành viên xây dựng nên trang web này.

Đang ở vị trí cao ngất ngưởng, Essjay thình lình từ chức, xóa mọi trang web cá nhân trên Wikipedia và dứt áo ra đi. Lý do: người ta phát hiện ông Essjay với lời nói ngàn vàng thật ra là chàng sinh viên Ryan Jordan, 24 tuổi, bỏ học giữa chừng.

Jimmy Wales, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Wikipedia, nói bộ bách khoa toàn thư nhân dân này vẫn đang cố gắng làm thông tin chính xác nhất . Ảnh: Reuters

Nếu chưa hiểu lý do Essjay đột ngột biến mất và mức nghiêm trọng của sự kiện này, hãy vào trang chủ của Wikipedia để thấy bách khoa toàn thư này hiện có hơn 1,6 triệu mục từ tiếng Anh, nếu tính luôn phiên bản các thứ tiếng khác, con số đó là hơn 5,3 triệu mục từ.

Nghĩa là nó gấp gần 14 lần số mục từ trong bộ bách khoa toàn thư Britannica của Anh. Trong khi Britannica phải mất gần hai thế kỷ rưỡi mới gầy dựng được ngần ấy mục từ và danh tiếng, Wikipedia chỉ mất sáu năm để được toàn thế giới biết đến.

Hơn 75.000 thành viên tích cực đã tạo nên kỳ tích đó với sự khuyến khích của cơ chế ẩn danh. Với Wikipedia, một anh thợ hồ hay vị giáo sư đều như nhau, đều có thể viết bài, chỉnh sửa nội dung mà không cần tạo đăng ký với những thông tin bản thân xác thực.

Thật ra cũng nhờ thế mà người đọc Wikipedia có một cái nhìn toàn cảnh về một sự kiện. Nhưng cũng chính cơ chế ẩn danh mà Essjay vượt qua bao nhiêu tầng lọc của Wikipedia để đạt được một trong những vị trí chủ chốt mà không bị phát hiện.

Tờ Economist hôm 10-3 bình luận nếu một tay mơ và một chuyên gia bất đồng quan điểm về một vấn đề, họ có thể sẽ phải đối chọi nhau trong việc chỉnh sửa bài viết khiến buổi sáng nó có vẻ bình dân, nhưng buổi chiều lại nghe rất hàn lâm.

Đó là chưa kể trăm người trăm ý nên kiến thức Wikipedia cung cấp sẽ tủn mủn chứ không tập trung vào những điểm quan trọng. Dĩ nhiên, không thể vơ đũa cả nắm vì rất nhiều bài viết trên Wikipedia thật sự đầy đủ và chính xác.

Hiện đã có một vài dự án bách khoa toàn thư trực tuyến như Citizendium hay Conservapedia khắc phục điểm yếu này bằng cách đặt nặng vai trò của các chuyên gia có tiếng. Tuần này, Reuters cũng dẫn lời chủ tịch Wales của Wikipedia rằng họ đang nỗ lực chống nạn sai lệch thông tin.

Essjay nói trên Wikipedia rằng anh đã vĩnh viễn từ giã bách khoa toàn thư trực tuyến này, nhưng biết đâu được. Ai cũng có thể quay lại dưới một cái tên khác, một hồ sơ cá nhân khác. Ẩn danh mà!

Minh Huy

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 219