Vì sao khi máy bay cất cánh, hạ cánh lại chỉ để đèn tối lờ mờ?

  •   43
  • 7.605

Mỗi khi máy bay chuẩn bị cất cánh hoặc hạ cánh, độ sáng đèn trong khoang lại được giảm xuống mức thấp nhất. Chắc chắn ai từng đi máy bay đều nhận ra điều này. Nhưng có bao giờ bạn hỏi là tại sao không?

Nhiều người cho rằng đó là vì tổ bay muốn bạn dừng việc đọc sách hay hay xem báo lại mà tập trung nghe thông báo của họ. Thế nhưng sự thật không phải vậy, một phi công đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này.

Để đèn tối mờ sẽ giúp mắt của bạn quen với bóng tối nhanh hơn.
Để đèn tối mờ sẽ giúp mắt của bạn quen với bóng tối nhanh hơn.

Chris Cooke, phi công từng thực hiện rất nhiều chuyến bay lớn đã trình bày với tạp chí Travel + Leisure rằng để đèn tối như vậy là quy định đảm bảo sự an toàn cho bản thân bạn chứ không chỉ là vấn đề tối/sáng. Anh giải thích rằng đây là cách để mắt của hành khách có thể điều chỉnh đủ nhanh trong trường hợp chuyến bay gặp vấn đề, buộc phải sơ tán khẩn cấp: "Thử tưởng tượng bạn đang ở trong một căn phòng không hề thân thuộc, sáng trưng và đầy những chướng ngại vật, rồi đột nhiên một ai đó tắt hết đèn, yêu cầu bạn rời khỏi đó càng nhanh càng tốt".

Rõ ràng, từ mờ mờ chuyển sang tối hẳn sẽ dễ dàng hơn là từ sáng trưng trở nên tối. Bạn sẽ nhìn được vật thể trong bóng tối dễ dàng hơn, và giúp việc sơ tán khi gặp sự cố diễn ra dễ dàng hơn. Đó cũng là lý do cửa sổ máy bay cần được mở trong trường hợp cất cánh và hạ cánh để lấy ánh sáng tự nhiên, giúp hành khách di chuyển an toàn.

Mắt người mất khoảng 10 - 30 phút để điều chỉnh hoàn toàn trong bóng tối. Việc tắt đèn cabin giúp hành khách và phi hành đoàn có thêm thời gian để thích nghi với điều kiện ánh sáng thấp. Điều này rất cần thiết nếu máy bay cần sơ tán vào ban đêm. Trên thực tế, khoảng thời gian để mắt người hiệu chỉnh trong điều kiện ánh sáng thấp quyết định khác biệt ở cơ hội thoát thân trong lúc khẩn cấp.

Đèn trong cabin máy bay tắt ở những giai đoạn bay quan trọng.
Đèn trong cabin máy bay tắt ở những giai đoạn bay quan trọng. (Ảnh: Daniel Martínez Garbuno).

Một lý do khác để tắt đèn cabin là cabin càng tối, đèn khẩn cấp và lối đi chiếu sáng càng dễ quan sát. Do đó, mọi người trên máy bay sẽ được chuẩn bị đầy đủ hơn để sơ tán nhanh và an toàn. Theo Colin C. Law, trợ lý giáo sư quản lý kinh doanh hàng không ở Đại học Quốc tế Stamford tại Thái Lan, đèn cabin được điều chỉnh phù hợp theo điều kiện ánh sáng bên ngoài. Ví dụ, khi cần sơ tán trong lúc cất cánh, đèn cabin không nên bật ở chế độ sáng nhất để tránh ảnh hưởng tới quá trình di chuyển.

Việc tắt đèn cũng thường gắn liền với kéo màn che cửa sổ trên máy bay. Trong ngày, biện pháp sau đảm bảo khoang cabin tràn ngập ánh sáng tự nhiên, giúp tăng tầm nhìn. Tất nhiên, trong đa số trường hợp, những tình huống khẩn cấp không phát sinh. Cuối cùng, các hãng hàng không tắt đèn cabin trong lúc cất cánh và hạ cánh để giảm tiêu thụ điện của máy bay, tối ưu hóa hiệu suất động cơ trong những giai đoạn bay quan trọng.

Cập nhật: 19/04/2024 Theo Trí Thức Trẻ/VNE
  • 43
  • 7.605