Vì sao tỷ phú thường đẻ nhiều con trai?

  •   42
  • 2.236

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tỷ phú có tỷ lệ sinh con trai là 65% do lợi thế hấp dẫn về mặt tiến hóa.

Theo BBC, lịch sử ghi nhận rất nhiều nỗ lực chọn lựa giới tính thai nhi của con người. Thời Trung Cổ, người chồng thường được khuyên quay mặt về hướng đông trong khi quan hệ hoặc uống rượu vang đỏ ngâm tử cung thỏ nếu muốn sinh con trai. Tới thế kỷ thứ 18, nhà giải phẫu học người Pháp Procope-Couteau quả quyết thắt tinh hoàn bên trái là phương pháp đảm bảo khả năng sinh con trai.

Ngày nay, một thao tác tìm kiếm đơn giản có thể cho ra hàng loạt mẹo như uống vitamin, siro ho hoặc thậm chí thay đồ lót. Những người lý trí đồng tình rằng các mẹo này đều vô căn cứ bởi thụ thai là sự may rủi giống như tung đồng xu. Xác suất thai nhi là trai hoặc gái hoàn toàn là ngẫu nhiên 50/50.

Dù vậy, trên thực tế, tỷ lệ giới tính chưa bao giờ chính xác tuyệt đối 1:1. Cứ 109 bé trai chào đời thì có 100 bé gái. Theo các nhà khoa học, sự chênh lệch này là cần thiết.

Tổng thống đắc cử Donald Trump có ba con trai, hai con gái.
Tổng thống đắc cử Donald Trump có ba con trai, hai con gái. (Ảnh: People).

Nam giới thường có hệ miễn dịch yếu hơn, nồng độ cholesterol cao, đối diện nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư cao với tỷ lệ sống sót thấp. Phái mạnh cũng chiếm 2/3 số nạn nhân các vụ giết người, 3/4 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông và có khả năng tự tử cao hơn gấp ba lần giới nữ. Do đó, tỷ lệ bé trai sinh ra thường cao hơn để số lượng cá thể sống sót đảm bảo tỷ lệ giới tính cân bằng.

Câu hỏi thách đố nhà khoa học

Các nghiên cứu cho thấy thời tiết khắc nghiệt, tháng ăn chay Ramadan theo đạo Hồi, ốm nghén, là những yếu tố khiến tỷ lệ sinh con gái cao. Ngược lại, phụ nữ có cá tính mạnh, chế độ ăn giàu carlorie (như dùng bữa sáng bằng ngũ cốc) hoặc kết hôn với tổng thống có xu hướng sinh nhiều con trai hơn. Đối với tỷ phú, tỷ lệ sinh con trai là 65%.

Việc xác định xác suất giới tính khi thụ thai là câu hỏi khiến giới khoa học lúng túng suốt nhiều thập kỷ. Hiện tượng này đặc biệt có sức hút với Charles Darwin, người dành thời gian nghiên cứu một cách tỉ mỉ tỷ lệ giới tính con non ở nhiều loài động vật.

Trong thế giới động vật, con đực thường phải trải qua các cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn trong việc tìm kiếm bạn tình và địa vị.
Trong thế giới động vật, con đực thường phải trải qua các cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn trong việc tìm kiếm bạn tình và địa vị. (Ảnh: iStock).

Sau quá trình tìm hiểu, Darwin tin rằng đặc điểm hình thức phức tạp của nhiều con đực, như phần đuôi rực rỡ ở công, là hệ quả của sự thiếu hụt số lượng lớn cá thể khác giới. Theo đó, lợi thế cạnh tranh cao sẽ giúp con đực nổi bật khi tranh giành con cái.

Tuy nhiên, vấn đề ông gặp phải là tất cả loài nghiên cứu đều có số lượng cá thể đực và cái hầu như tương đương (song không tuyệt đối). Sự khác biệt không hề lớn như ông dự đoán. Darwin từ bỏ đề tài vì không thể tìm ra cách lý giải nào thuyết phục.

"Vấn đề này quá phức tạp, do đó tốt hơn hết là để thế hệ tương lai tìm kiếm câu trả lời", Darwin từng nói.

Năm 1972, Robert Trivers, nhà sinh vật học tiến hóa kiêm giáo sư nhân chủng học người Mỹ bắt đầu chú ý đến đề tài của Darwin.

"Tôi đã tìm thấy ý tưởng xứng đáng để cống hiến cả cuộc đời", Trivers nói. Cùng người cộng sự Dan Willard, Trivers phát triển một trong những lý thuyết sinh vật học tiến hóa nổi tiếng Trivers- Willard.

Học thuyết này cho rằng, giả sử con người có thể lựa chọn giới tính thai nhi và trò chơi đặt ra là làm sao để có nhiều con cháu nhất có thể. Nếu đứa trẻ sinh ra là bé trai, có khả năng bé trai này sẽ trở thành tỷ phú quyền lực hoặc tổng thống, với rất nhiều bạn gái để chọn lựa.

Khoa học chứng minh rằng những người có địa vị xã hội cao thường có sức hút lớn với phụ nữ. Những phụ nữ có khả năng sinh nở tốt thường bị hấp dẫn bởi đàn ông nổi trội, giàu có và có sức ảnh hưởng lớn, những người thường có xu hướng kết hôn sớm và nhiều khả năng có các mối quan hệ ngoài hôn nhân hơn người cùng tuổi. Như vậy, thành công ở nam giới được xem là một thắng lợi lớn về mặt tiến hóa. Ở chiều ngược lại, người đàn ông có thể không tìm được bạn đời.

"Phụ nữ có xu hướng kết hôn với người thuộc tầng lớp xã hội cao hơn. Do vậy nếu ở đáy thang đo, một chàng trai có thể khá chật vật trong việc tìm người kết hôn", Trivers giải thích.

Trong khi đó, nữ giới thường không phải đối mặt với cuộc chiến khốc liệt này.

Bà mẹ có nhiều con trong lịch sử thế giới là một phụ nữ vô danh, vợ một nông dân nghèo ở Shuya, một thị trấn phía tây nước Nga, sinh năm 1707 và mất năm 1782. Theo ghi chép, bà đã sinh 69 người con.

Số lượng này không là gì so với Thành Cát Tư Hãn, cha của khoảng 1.000 - 2.000 người con. Phân tích ADN gần đây cho thấy, Thành Cát Tư Hãn không phải là người đàn ông duy nhất có nhiều con. Ít nhất 10 người đàn ông trong lịch sử đã để lại số lượng hậu duệ tương đương Thành Cát Tư Hãn như một vị vua Trung Quốc (mất năm 1582) và người khởi đầu triều đại phục hưng Ui Neill của Ireland.

Ở động vật, nai đỏ Tây Tạng, hải tượng hay tinh tinh, số lượng con còn đông hơn nhiều. Những con đực nổi bật có tới hàng trăm bạn tình, trong khi những con ở địa vị thấp hoặc sức khỏe yếu thường không sinh sản hoặc chết trong khi cố gắng.

Vấn đề đặt ra tiếp theo là tài nguyên. Do ngoại hình to lớn, nam giới thường tiêu thụ nhiều thức ăn hơn nữ. Ở nhiều xã hội, đây cũng là đối tượng đòi hỏi cao hơn về giáo dục và tiền bạc. Bố mẹ một bé trai thường phải đầu tư rất nhiều nếu muốn con trở thành người đàn ông ưu tú, thành đạt.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk sinh được 6 con, đều là con trai, với người vợ đầu. Một con mất khi mới hơn hai tháng tuổi.
Tỷ phú Mỹ Elon Musk sinh được 6 con, đều là con trai, với người vợ đầu. Một con mất khi mới hơn hai tháng tuổi. (Ảnh: Celebfamily).

Tổng hợp các yếu tố trên, Trivers khẳng định, trong những điều kiện thuận lợi, như trong gia đình có địa vị và dồi dào thức ăn, đứng trên phương diện tiến hóa, bố mẹ có khả năng sinh con trai nhiều hơn. Song, trong điều kiện khó khăn hơn, chọn lọc tự nhiên khiến các cặp vợ chồng sinh con gái, bởi phái nữ không phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt như nam. Ngay cả khi không quá lôi cuốn hoặc thành công, ít nhất họ vẫn có thể sinh con.

Cân bằng giới tính

Lý thuyết nàys của Trivers ban đầu bị coi là một câu chuyện đùa nhưng hơn 10 năm sau đã được chứng minh là đúng.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nhà khoa học phát hiện ở loài nai đỏ, những con cái có ưu thế có tới 60% khả năng sinh con đực. Tuy nhiên, liệu con số này có đúng ở người. Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng đầu tiên từ Trung Quốc.

Năm 1958, Trung Quốc thực hiện kế hoạch "Đại nhảy vọt" đầy tham vọng, hy vọng biến đất nước nông nghiệp trở thành một cường quốc công nghiệp trong vài năm.

Các gia đình được yêu cầu bỏ nông trang khi chính phủ dự định nâng sản lượng thép lên 30%. Những mảnh vườn biến thành bãi nấu quặng tạm thời, trong khi các dụng cụ từ chảo nấu tới máy cày đều được đem ra đun chảy để tăng tổng sản lượng. Chỉ sau vài năm, Trung Quốc trải qua nạn đói kinh hoàng vì sản lượng ngũ cốc liên tục giảm với 45 triệu người chết.

40 năm sau, nhà kinh tế học Douglas Almond tiến hành thống kê dân số Trung Quốc cùng các đồng nghiệp ở đại học Columbia, Mỹ. Nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu về những người được sinh ra ngay sau nạn đói kèm theo thông tin quê quán của cha mẹ. Vài khu vực ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng nhiều hơn vùng khác, nhờ đó nhóm nghiên cứu có thể so sánh cuộc sống của những người có mẹ là nạn nhân và không phải nạn nhân của nạn đói.

Thành Cát Tư Hãn có thể có từ 1.000 - 2.000 con.
Thành Cát Tư Hãn có thể có từ 1.000 - 2.000 con. (Ảnh: PA).

Theo đó, dù không trực tiếp trải qua nạn đói, những người đến từ gia đình chịu ảnh hưởng ít khả năng được học hành, khó tìm việc làm để tự trang trải cuộc sống và có xu hướng sống trong những ngôi nhà nhỏ. Những người mẹ trải qua nạn đói có tỷ lệ sinh con gái đầu lòng cao và hiệu ứng này dường như tiếp tục truyền sang con cái.

Ước tính trong giai đoạn 1960 - 1963 tại Trung Quốc cứ 100 bé gái chào đời thì có 104 bé trai trong khi tỷ lệ bình quân của thế giới là 100/109. Tỷ lệ này chỉ quay lại mốc bình thường vào năm 1965.

Giải đáp cho câu hỏi vì sao tỷ lệ giới tính không bao giờ vượt xa ngưỡng 1:1 dù trong điều kiện khắc nghiệt như sau cuộc Đại nhảy vọt ở Trung Quốc, nhà sinh thái học Keith Bowers đưa ra nhiều lý do.

"Bé trai cần nhiều thực phẩm hơn bé gái, do đó nếu liên tục sinh nhiều con trai sẽ tạo môi trường cạnh tranh trong gia đình", Bowers nói.

Mặt khác nếu tất cả gia đình đều sinh con trai trong giai đoạn thuận lợi, số lượng nam giới tăng khiến họ sẽ khó khăn hơn trong việc tìm bạn đời và nơi sinh sống. Trong khi đó, lợi thế sẽ nghiêng về những nhà sinh con gái.

"Do đó, qua thời gian tỷ lệ giới tính sẽ về mức cân bằng", Bowers kết luận.

Cập nhật: 02/12/2016 Theo VnExpress
  • 42
  • 2.236