Việt Nam sẽ nhảy vọt nếu biết cải tiến công nghệ nước ngoài

  •  
  • 1.435

Các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam không nên lo lắng về việc phụ thuộc vào khoa học công nghệ nước ngoài. Nếu cải tiến và mô phỏng tốt, Việt Nam sẽ đạt được bước nhảy vọt về công nghệ.

Nhận định này được đưa ra tại hội nghị quốc tế Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) của Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 diễn ra hôm qua, do Bộ Khoa học công nghệ và Tổ chức phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc tổ chức.

Ông Patrick Gilabert, trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị STI hôm 5/10. (Ảnh: Minh Long)
Ông Patrick Gilabert, trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam,
phát biểu tại hội nghị STI hôm 5/10. (Ảnh: Minh Long)

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích những khiếm khuyết trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Họ thừa nhận năng suất làm việc của các tổ chức khoa học và công nghệ thấp. Cơ cấu của các tổ chức này (theo vùng, lĩnh vực) bất hợp lý. Động lực nghiên cứu, đổi mới yếu. Năng lực tiếp thu công của giới doanh nghiệp Việt Nam không cao. Phần lớn doanh nghiệp không tận dụng được nguồn tri thức và công nghệ từ bên ngoài (chẳng hạn như công nghệ từ các công ty nước ngoài).

Giáo sư Henri Dou, giám đốc Tổ chức Đổi mới tình báo chiến lược Atelis thuộc Đại học Kinh doanh và Quản lý tại Pháp, tham dự hội nghị với tư cách thành viên ban tư vấn quốc tế. Ông nói giới doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng về tình trạng nền công nghiệp trong nước phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nước ngoài hiện nay. Đa số nước đang phát triển đều phải phụ thuộc công nghệ nước ngoài trong giai đoạn đầu. Chẳng hạn, từ thập niên 60 tới thập niên 80, Hàn Quốc cũng phải mô phỏng công nghệ của nước ngoài để mở rộng các ngành công nghiệp nhẹ, phát triển các ngành thay thế nhập khẩu. Nhưng ngày nay tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc đứng thứ 10 thế giới.

Giáo sư Henri Dou, một thành viên trong ban tư vấn quốc tế về chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam. (Ảnh: Minh Long)
Giáo sư Henri Dou, một thành viên trong ban tư vấn quốc
tế về chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam. (Ảnh: Minh Long)

"Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam có thể cải tiến công nghệ của nước ngoài để tạo ra lợi nhuận hay không. Nếu mọi doanh nghiệp Việt Nam đều có động lực và thu được lợi ích trong việc cải tiến công nghệ nước ngoài, sự nhảy vọt về công nghệ sẽ diễn ra rất nhanh chóng và Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp", ông bình luận.

Một thực trạng nữa được các chuyên gia nhắc tới là đầu tư cho KHCN ở nước ta vừa thấp vừa dàn trải và không hiệu quả. Các cơ quan hoạch định chính sách bị chia cắt. Chẳng hạn, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chịu trách nhiệm đề ra chiến lược KHCN, song bộ này phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ.

Liên kết giữa viện, trường và doanh nghiệp tại Việt Nam tương đối yếu. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp liên kết với trường đại học chỉ để nhận sinh viên thực tập, chứ chưa bao giờ nhận công trình nghiên cứu của trường để thương mại hóa. Các viện nghiên cứu có quá ít sản phẩm mang tính thực tiễn, buộc giới doanh nghiệp phải tìm kiếm công nghệ từ bên ngoài hoặc gia công sản phẩm. Một đại biểu của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam khẳng định, trong suốt mấy chục năm qua các viên nghiên cứu rất hiếm khi chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Vì thế doanh nghiệp chỉ có thể gia công sản phẩm cho nước ngoài với mức lợi nhuận thấp (từ 5 tới 10%).

Các đại biểu thảo luận với người tham dự hội nghị. (Ảnh: Minh Long)
Các đại biểu thảo luận với người tham dự hội nghị. (Ảnh: Minh Long)

Giáo sư kinh tế Martin Fransman, giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ Nhật Bản-Châu Âu của Đại học Edinburgh tại Anh, chỉ ra hàng loạt vấn đề của nền công nghệ Việt Nam. Theo ông, hiện tại Việt Nam có 1.320 tổ chức nghiên cứu, trong đó 694 thuộc sở hữu nhà nước. Song trên thực tế, chỉ có một số tổ chức thuộc nhà nước thực sự hoạt động hiệu quả và có đổi mới.

Trong khi đó, dự thảo Chiến lược Khoa học, Công nghệ và Đối mới đặt mục tiêu thành lập 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ vào năm 2015 và đưa con số này lên 10.000 vào năm 2020. Ông Shin Taeyoung, phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc và là một thành viên trong ban tư vấn quốc tế, nhận định rằng Việt Nam không nên quá chú trọng tới số lượng doanh nghiệp công nghệ. Mọi nhà nước đều có thể tạo ra doanh nghiệp khoa học công nghệ bằng mệnh lệnh, song thị trường mới là nhân tố quyết định các doanh nghiệp ấy có tồn tại và tạo ra phát minh khoa học hay không.

Theo ông Shin, nếu muốn thấy thay đổi thực sự trong tương lai, chính phủ Việt Nam phải hành động khẩn trương và triệt để. Bước đầu tiên là tạo ra môi trường thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các công ty khoa học công nghệ. Chính phủ cũng cần cải cách thể chế để các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành lực lượng hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Tạo động lực để doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới cũng là hướng đi quan trọng, bởi để tồn tại trong môi trường quốc tế, đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải liên tục đổi mới công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh.

Theo Vnexpress
  • 1.435