Việt Nam sẽ sản xuất vệ tinh viễn thám

  •  
  • 481

Đến năm 2010, VN sẽ lần đầu tiên tham gia sản xuất và phóng vệ tinh viễn thám. Kể từ đây, VN sẽ chủ động hơn trong dự báo khí hậu thời tiết, bão tố...

Viện Phó Viện Công nghệ vũ trụ - Viện Khoa học và Công nghệ VN, TS Doãn Minh Chung, cho biết việc Thủ tướng Chính phủ chính thức ra quyết định thành lập viện nghiên cứu đầu ngành về công nghệ vũ trụ vào cuối năm 2006 đã mở ra một thời kỳ mới cho lĩnh vực công nghệ vũ trụ của VN.

* Đến lúc này, VN mới thành lập một cơ quan nghiên cứu về công nghệ vũ trụ, phải chăng đã quá muộn, thưa ông?

- Phát triển công nghệ vũ trụ là vấn đề bức xúc của nước ta hiện nay và không thể muộn hơn được nữa. Bởi ứng dụng công nghệ vũ trụ trong nghiên cứu khoa học và thực tế sản xuất, cuộc sống là rất rõ như quản lý tài nguyên thiên nhiên môi trường, cảnh báo sớm về thiên tai, dự báo khí hậu, thời tiết..., gắn kết viễn thám phục vụ quản lý, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lũ lụt, hạn hán...

Nhìn ra các nước trong khu vực thì công nghệ vũ trụ đã phát triển rất mạnh. Ngay cả các nước có trình độ kinh tế tương đương VN như Algeria, Nigeria, Malaysia, Thái Lan... cũng đã có vệ tinh riêng. Họ đã làm trước VN 10 năm và trong 10 năm qua, ngành công nghệ vũ trụ các nước này đã làm được rất nhiều việc. Do vào cuộc muộn nên ngành công nghệ vũ trụ VN sẽ bắt nhịp trên tinh thần đi tắt đón đầu theo cách hợp tác, chuyển giao công nghệ với nước ngoài.

TS Doãn Minh Chung (Ảnh: TTO)

* STI đưa ra những mục tiêu cụ thể, mang lại lợi ích khoa học nào?

- Cùng với việc thành lập STI, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, trong đó đã khẳng định công nghệ vũ trụ là một trong các hướng công nghệ trọng điểm. Theo đó, STI sẽ tự thiết kế và lắp ráp vệ tinh cỡ nhỏ và đến năm 2010 VN sẽ phóng vệ tinh viễn thám nhỏ đầu tiên (nặng trên 100 kg, có độ cao 800 km). Đồng thời sẽ xây dựng các trạm thu và xử lý hình ảnh.

Cụ thể, STI sẽ tự chế tạo các trạm mặt đất, thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, làm chủ được công nghệ và kỹ thuật tên lửa, đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao. Đến năm 2020, cố gắng phóng được vài vệ tinh viễn thám. Với những vệ tinh này, chúng ta sẽ có những bức ảnh độ chính xác trung bình viễn thám từ 2,5 m đến 10 m. Lúc đó, ngành công nghệ vũ trụ VN sẽ làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh...

Việc tiến hành phóng vệ tinh viễn thám sẽ phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo khí tượng, thủy văn, giám sát tài nguyên, thiên tai (ảnh mây xoáy, hướng đi của gió, mắt bão...), cháy rừng, an ninh, quốc phòng... mà hiện tại VN đang phải mua ảnh vệ tinh của nước ngoài với giá thành đắt. Việc chủ động này sẽ giúp ích cho công tác dự báo, cảnh báo sớm, đặc biệt là sóng thần, động đất...

* Ông có thể nói về vốn đầu tư sản xuất vệ tinh viễn thám và tỉ lệ nội địa hóa?

- Hiện tại, chúng tôi chưa thể nói chính xác số tiền đầu tư sản xuất và phóng vệ tinh viễn thám. Tuy nhiên, cũng không dưới vài chục triệu USD. Chúng tôi sẽ cố gắng vận động và thu hút các nguồn tài trợ và giúp đỡ từ nước ngoài trong phát triển công nghệ vũ trụ. Còn về tỉ lệ nội địa hóa, STI cũng đang trong quá trình xem xét, nghiên cứu để lựa chọn công nghệ vệ tinh, do vậy vẫn chưa có xác định chính xác về tỉ lệ nội địa hóa. Nhưng STI sẽ cố gắng lựa chọn công nghệ phù hợp với năng lực trình độ, nguồn đầu tư và phải có hiệu quả.

* Công tác đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học vũ trụ sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Hiện tại, VN chưa có cơ sở đào tạo chính thống về công nghệ vũ trụ. Do vậy, trong thời gian tới, STI sẽ đẩy nhanh hoạt động hợp tác với nước ngoài, chuyển giao công nghệ và cử cán bộ đi học tập, bồi dưỡng ở các nước có ngành công nghệ vũ trụ phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... Sau đó, trong quá trình hình thành và phát triển, STI sẽ chính thức tổ chức đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ.

Việc phóng vệ tinh nhỏ là bước đầu của công nghệ vũ trụ và mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt trình độ trung bình khá trong khu vực về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ. Phải nói thêm là thế giới nhìn một quốc gia có ngành công nghệ phát triển cao qua lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Vì vậy, VN không thể đứng ngoài cuộc. Ngành công nghệ vũ trụ sẽ đi vào nghiên cứu những lĩnh vực khoa học sát với thực tế sản xuất-đời sống.

THẾ DŨNG

Theo Người Lao Động, Tuổi trẻ
  • 481