Việt Nam tìm hiểu về hệ thống thanh sát hạt nhân

  •  
  • 403

Hồng Vân

Sau lễ ký Nghị định thư bổ sung (AP) cho Hiệp định thanh sát toàn diện giữa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) hôm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo nhằm tìm hiểu AP, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng Hệ thống thanh sát của mình.

Vì một thế giới không vũ khí hạt nhân

(Ảnh: ND)
Phát biểu khai mạc trong Hội thảo Quốc gia về Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát của Việt Nam sáng nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cho biết, hiện nay, toàn thế giới có 442 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp 17% tổng sản lượng điện. Theo các dự báo, điện hạt nhân sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, vật liệu hạt nhân không chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình mà còn có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân, loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ý thức được hiểm họa của việc phát triển và sau đó là khả năng chạy đua vũ trang vũ khí hạt nhân, các quốc gia trong cộng đồng thế giới đã sớm xây dựng một khuôn khổ để khống chế sự phổ biến loại vũ khí này. Cơ sở pháp lý của khuôn khổ đó là các điều ước và thỏa thuận quốc tế liên quan, cơ bản nhất là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), các Hiệp ước về các vùng phi vũ khí hạt nhân và các Hiệp định Thanh sát.

Những kết quả mà khuôn khổ đó mang lại rõ ràng không thể phủ nhận, bằng chứng là số lượng các quốc gia có vũ khí đã được hạn chế và ổn định sau rất nhiều năm. Ngoài ra, thông qua cơ chế thanh sát do IAEA thực hiện theo các Hiệp định Thanh sát, các quốc gia không có vũ khí hạt nhân theo NPT đã chứng minh được các vật liệu và hạt nhân của mình là phục vụ mục đích hòa bình, từ đó tạo ra sự tin tưởng quốc tế, sự ổn định và an ninh trong khu vực.

Hội thảo Quốc gia về Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát của Việt Nam do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Bộ KH-CN tổ chức. Tham gia hội thảo kéo dài hai ngày này, ngoài các chuyên gia của IAEA, còn có các chuyên gia của Australia, nước đầu tiên triển khai thực hiện AP và Nhật Bản, nước có sáng kiến phổ biến AP.

Hội thảo là cơ hội để các cán bộ Việt Nam chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các chuyên gia, từ đó giúp Việt Nam sớm phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư bổ sung.

Có 10 tham luận được trình bày tại đây, trong đó chỉ có một tham luận của Việt Nam do TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân, Bộ KH-CN trình bày về Quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ hạt nhân tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cho biết, những hạn chế của hệ thống thanh sát truyền thống theo các Hiệp định Thanh sát đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi an ninh khu vực và quốc tế có tác động trực tiếp, mạnh mẽ và sâu rộng tới mỗi quốc gia.

Cụ thể, việc phát hiện ra chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iraq vào năm 1991 đã cho thấy rằng các hiệp định thanh sát toàn diện thông thường đã không cho phép IAEA có đầy đủ phương tiện để xác minh sự không có mặt của các vật liệu hạt nhân và hoạt động hạt nhân không khai báo tại các quốc gia thành viên. Do đó, vào tháng 5-1997, Hội đồng Thống đốc IAEA đã phê chuẩn Nghị định thư mẫu, với mục đích cung cấp thêm công cụ cho các thanh tra viên của IAEA.

Hiệp định thanh sát và Nghị định thư bổ sung (AP) sẽ bảo đảm tất cả các thông tin quốc gia khai báo là chính xác, đầy đủ, và do đó đạt được mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Mặc dù AP không có thêm bất kỳ quyền hạn nào về thanh tra hạt nhân tại chỗ, nhưng Nghị định thư này lại yêu cầu các quốc gia phải khai báo tất cả các hoạt động hạt nhân của mình từ khai thác mỏ đến thải chất thải, và vì thế giải quyết được những khiếm khuyết của hệ thống cũ.

Theo ông Ian Lodding, cán bộ cao cấp về Chính sách, Phòng Quan hệ quốc tế và Điều phối chính sách của IAEA, sau khi được thông qua vào tháng 5-1997, đến ngày 24-4-2000, AP đã có hiệu lực tại chín quốc gia.
Tính đến nay, hầu hết các quốc gia tham gia Hiệp định thanh sát đã ký Nghị định thư AP với IAEA.

Tính đến đầu tháng 8, đã có 114 nước ký Nghị định thư AP, trong số đó tại 83 quốc gia, AP đã có hiệu lực. 7 quốc gia đã được Hội đồng phê duyệt nhưng chưa ký.

Khoảng 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã khai báo có vật liệu hạt nhân với lượng đáng kể có thể sử dụng làm vũ khí hạt nhân. Trong số các quốc gia này, 61 quốc gia đã ký AP, chiếm hơn 80%, gồm tất cả các quốc gia Đông Á, trừ Triều Tiên. Trong số này, 50 quốc gia đã thực thi AP.

Bước quan trọng để Việt Nam mở rộng chương trình hạt nhân

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của IAEA từ năm 1957. Từ những năm 80, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam duy trì Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt và hỗ trợ nhiều ứng dụng hạt nhân quan trọng trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và an toàn bức xạ.

Ngày 10-8, tại Trụ sở của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) ở Viên (Áo), Đại sứ Nguyễn Trường Giang và Phó Tổng Giám đốc IAEA - TS. Werner Burkart ký AP. (Ảnh: IAEA)

Ngày 23-2-1990, Hiệp định Thanh sát toàn diện giữa Việt Nam và IAEA đã có hiệu lực. Từ đó, Việt Nam đã báo cáo với IAEA về vật liệu hạt nhân mà Việt Nam có và hằng năm IAEA đã tiến hành thanh tra hạt nhân tại Đà Lạt.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, các hoạt động hạt nhân tại Việt Nam không nhiều nên công tác thanh sát cũng tương đối đơn giản. Tuy nhiên, không vì thế mà vấn đề thanh sát này nằm ngoài sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

Việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh sát của Việt Nam sẽ cần phải dành nhiều nỗ lực hơn nữa khi các chương trình phát triển năng lượng nguyên tử của quốc gia được triển khai. Đầu năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và tháng 7 vừa qua đã ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược. Theo đó, chính sách nhất quán của Việt Nam là ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội.

Chiến lược đã đặt ra các mục tiêu như: đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào hoạt động từ năm 2020, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia, tổ chức nghiên cứu, thăm dò, đánh giá trữ lượng urani để sử dụng trong nước…

Trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam cần có Nghị định thư AP, ông Laura Rockwood, Trưởng Bộ phận không phổ biến và Hoạch định chính sách, Phòng các vấn đề pháp luật của IAEA cho rằng, AP cần thiết cho việc tăng cường an ninh và an toàn vật liệu hạt nhân trong nước và quốc tế. AP sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong kiểm soát vật liệu hạt nhân và các hoạt động liên quan đến hạt nhân ở trong nước, tăng cường việc kiểm soát xuất khẩu và giúp phòng chống buôn bán hạt nhân bất hợp pháp, bảo đảm bản chất hòa bình của chương trình phát triển hạt nhân của Việt Nam.

Các điều ước quốc tế liên quan đến hạt nhân Việt Nam đã tham gia:

- Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1982.
- Hiệp định Thanh sát (SA) ký năm 1989, phê chuẩn năm 1990.
- Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) ký năm 1996, phê chuẩn năm 2006.
- Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (1997).
- Công ước về Thông báo nhanh trong trường hợp sự cố hạt nhân (1987).
- Công ước về trợ giúp trong trường hợp có tai nạn hạt nhân hay sự cố phóng xạ khẩn cấp (1987).
- Bộ Quy tắc ứng xử về an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, và Hướng dẫn bổ sung cề Xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ (gửi chấp nhận tới IAEA ngày 11-8-2006.
- Nghị định thư bổ sung (AP) ký ngày 10-8-2007.
- Hiện đang nghiên cứu để tham gia Công ước về Bảo vệ thực thể hạt nhân.

(Theo TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân, Bộ KH-CN)

Theo Nhân dân
  • 403