Vifotec 2006: Nhiều công trình khoa học được ứng dụng vào thực tiễn

  •  
  • 508

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ năm 1995, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Ðài Truyền hình Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan thực hiện đề án tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ (VIFOTEC) nay là Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam.

Giải thưởng nhằm khuyến khích các nhà khoa học công nghệ đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại và công nghệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam vào sản xuất và đời sống.

Ðây là giải thưởng được trao cho các tác giả có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn, đang được thực hiện và áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Trong 12 năm qua, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được hơn một nghìn công trình khoa học - công nghệ của nhiều nhà khoa học từ nhiều tỉnh, thành phố và các bộ, ngành trong cả nước.

Các địa phương, ngành có số lượng công trình nhiều là TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bộ Công nghiệp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Ðào tạo, Quốc phòng, Thủy sản, Y tế, Bưu chính - Viễn thông, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam,...

Năm 2006, Ban Tổ chức Giải thưởng đã quyết định tặng giải thưởng cho 38 công trình bao gồm: ba giải nhất, sáu giải nhì, 14 giải ba và 15 giải khuyến khích. Ðồng thời đã đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Giải thưởng WIPO cho một công trình đoạt giải nhất thuộc lĩnh vực công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên và một tác giả nữ xuất sắc nhất có công trình đoạt giải nhì thuộc lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

Bắt đầu từ giải thưởng năm 2006 mức giải đã được tăng lên so với các năm trước: giải nhất 30 triệu, giải nhì 20 triệu, giải ba 15 triệu đồng. Tuy mức giải chưa cao nhưng đó cũng thể hiện sự quan tâm động viên của Nhà nước đối với lao động sáng tạo của các nhà khoa học công nghệ trong cả nước.

Kết quả chính của các công trình đã đoạt giải năm 2006 như sau:

Trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa:

- Công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo giàn nâng hạ xi-lanh thủy lực 400 tấn phục vụ công trình thủy điện Sơn La" của tác giả Lê Văn An và các cộng sự thuộc Tổng công ty cơ điện - xây dựng nông nghiệp và thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Công trình "Nghiên cứu đổi mới công nghệ và thiết bị chế biến lương thực - thực phẩm và nông sản Việt Nam" của tác giả Trần Doãn Sơn và các cộng sự thuộc Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

- Công trình "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bơm ly tâm hút sâu (Hck) = 6,0 - 8,0 m đạt hiệu suất cao" của tác giả Trần Văn Công và các cộng sự thuộc Viện Khoa học Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Công trình "Thiết kế, chế tạo máy trồng mía" của tác giả Phan Hiếu Hiền và các cộng sự thuộc Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.

- Công trình "Xây dựng hệ thống điều khiển, tự động hóa cửa nhận nước thủy điện Pleikrông" của tác giả Trần Ðình Thuận và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công nghiệp.

- Công trình "Hoàn thiện công nghệ sản xuất máy bơm nước cấu trúc hỗn hợp" của tác giả Vũ Thái Hưng và các cộng sự thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ðiện - Cơ Ba Ðình, tỉnh Thanh Hóa.

- Công trình "Nghiên cứu giải pháp công nghệ thiết kế và chế tạo hệ động lực lái đẩy kiểu chữ Z" của tác giả Phan Thái Hùng và các cộng sự thuộc Công ty thiết kế và đóng tàu Miền Nam - Tập đoàn công nghiệp và tàu thủy Việt Nam.

- Công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo động cơ đi-ê-den RV 195" của tác giả Nguyễn Văn Vũ và các cộng sự thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên máy nông nghiệp Miền Nam, Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp.

- Công trình "Nghiên cứu, thiết kế và tổ chức chế tạo thử nghiệm thành công đoàn tàu kéo đẩy" của tác giả Ðỗ Văn Hạt và các cộng sự thuộc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam.

- Công trình "Hoàn thiện thiết kế và công nghệ thi công tàu hút bùn công suất lớn (từ 1.500 m3/giờ trở lên)" của tác giả Trương Quốc Bảo và các cộng sự thuộc Công ty Công nghiệp tàu thủy Bến Kiền.

Lĩnh vực công nghệ vật liệu mới:

- Công trình "Nghiên cứu chế thử và sản xuất kíp vi sai phi điện" của KS Nguyễn Hữu Hòe và các cộng sự thuộc Công ty hóa chất 21, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

- Công trình "Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất si-li-ca bằng phương pháp tận thu CO2 từ khói lò" của Th.S Vũ Ðức Tuấn và các cộng sự thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Linh, Hà Nội.

- Công trình "Quy trình chế tạo và sản xuất đá nhân tạo giống đá tự nhiên bằng vật liệu com-pô-dít" của tác giả Trần Hiếu Lễ và các cộng sự thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Viễn Phương, Hà Nội.

- Công trình "Nghiên cứu vật liệu và công nghệ chế tạo các sản phẩm cao-su kỹ thuật cao dùng cho xe máy, nội địa hóa và xuất khẩu" của Bạch Hưng Thu và các cộng sự thuộc Nhà máy cao-su 75, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

- Công trình "Dùng công nghệ hợp kim hóa Cr-Ni kết hợp biến tính để nấu đúc một số phôi chi tiết thép cơ tính cao thay thế phương pháp tạo phôi bằng rèn dập nóng" của Trần Ðức Hưng và các cộng sự thuộc Xí nghiệp Cơ khí 79, Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng.

- Công trình "Xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất một số loại hợp kim fero - đất hiếm- ma-giê (FeREMg) quy mô 100 tấn/năm" của tác giả Phạm Ðức Thái và các cộng sự thuộc Viện công nghệ xạ hiếm, Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Công trình "Nghiên cứu, thiết kế công nghệ sản xuất lốp ra-đi-an toàn thép" của tác giả Trần Minh Khải và các cộng sự thuộc Công ty công nghiệp cao su Miền Nam.

- Công trình "Nghiên cứu công nghệ sản xuất men frit bằng lò quay với nguyên liệu khoáng trong nước" của tác giả Ðoàn Minh Chấn và các cộng sự thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Silicat Việt An, thành phố Hải Phòng.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông:

- Công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống mô phỏng phục vụ huấn luyện bắn trên máy bay" của tác giả Nguyễn Hoàng Nam và các cộng sự thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.

- Công trình "Phần mềm EFG10 (The Editing Function and Graphs) - công cụ hỗ trợ dạy và học toán phổ thông trung học ở Việt Nam - phần liên quan đến kiến thức đại số, giải tích và hình học giải tích" của tác giả Ngô Ðức Minh và các cộng sự thuộc Trường phổ thông trung học chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

- Công trình "Nghiên cứu đưa ra các giải pháp và phát triển hệ thống cung cấp các dịch vụ thương mại di động (mobile commerce) trên mạng viễn thông Việt Nam" của tác giả Nguyễn Văn Hải và các cộng sự thuộc Công ty phần mềm và truyền thông VASC, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam.

- Công trình "Hệ thống văn phòng điện tử M-Office (Mobile Office)" của tác giả Phạm Văn Sáng và các cộng sự thuộc Trung tâm phát triển phần mềm, Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh Ðồng Nai.

- Công trình "Nghiên cứu mô hình hóa lập trình tính toán thiết kế cột thép cho đường dây tải điện trên không (ÐDK)" của tác giả Lỗ Bá Thọ và các cộng sự thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam.

Lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống:

- Công trình "Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải phụ phẩm mía đường" của tác giả Lê Văn Tri và các cộng sự thuộc Công ty cổ phần phân bón Fitohoomon, Hà Nội.

- Công trình "Nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo Cá Lăng chấm Hemibagrus guttatus (Lacepede, 1803) trong điều kiện nuôi" của tác giả Nguyễn Ðức Tuân và các cộng sự thuộc Viện nuôi trồng Thủy sản 1, Bộ Thủy sản.

- Công trình "Nghiên cứu ứng dụng quy trình kỹ thuật súc rửa toàn phổi cho công nhân bệnh bụi phổi si-lích tại Trung tâm Y tế lao động ngành than" của tác giả Vũ Thị Hòa và các cộng sự thuộc Trung tâm Y tế lao động ngành than, Tập đoàn công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam.

- Công trình "Hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm vi nấm metavina có hoạt lực cao để phòng trừ mối" của tác giả Trịnh Văn Hạnh và các cộng sự thuộc Trung tâm nghiên cứu phòng trừ mối, Viện Khoa học Thủy lợi.

- Công trình "Nghiên cứu thực nghiệm hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá bớp (Bostrichthys sinensis [Lacepede, 1801]) ở Hải Phòng" của tác giả Trần Văn Ðan và các cộng sự thuộc Viện nghiên cứu Hải sản, Bộ Thủy sản.

- Công trình "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử vào việc kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm" của tác giả Trần Linh Thước và các cộng sự thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

- Công trình "Nghiên cứu ứng dụng dao gam-ma trong điều trị các bệnh lý thần kinh sọ não tại bệnh viện Trường đại học Y khoa Huế" của tác giả Phạm Văn Linh và các cộng sự thuộc Trường đại học Y khoa, Ðại học Huế.

- Công trình "Nghiên cứu công nghệ chế tạo kháng thể E.cô-li Việt Nam để phòng và chữa bệnh E.cô-li gây ra ở lợn" của tác giả Hoàng Bùi Tiến và các cộng sự thuộc Công ty cổ phần dược và vật tư thú y, Hà Nội.

- Công trình "Nghiên cứu và cải tiến chương trình lai hữu tính nhân tạo giống cao-su Việt Nam" của tác giả Trần Thị Thúy Hoa và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu Cao-su Việt Nam.

- Công trình "Nghiên cứu chọn lọc, nhân thuần gà Ai Cập và công thức lai giữa gà Goldline, gà ác Thái Hòa với gà Ai Cập" của tác giả Phùng Ðức Tiến và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong lĩnh vực công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên:

- Công trình "Nghiên cứu giải pháp công nghệ để xác định tham số mỏ phục vụ đánh giá trữ lượng và thiết kế khai thác dầu khí trong đá móng nứt nẻ bằng chương trình BASROC 3.0" của tác giả Hoàng Văn Quý và các cộng sự thuộc Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

- Công trình "Ðập sà-lan di động áp dụng hiệu quả trong quản lý, khai thác tài nguyên nước và bảo vệ môi trường" của tác giả Trương Ðình Dụ và các cộng sự thuộc Viện Khoa học Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Công trình "Xác định và đề xuất công nghệ xử lý a-mô-ni trong nước ngầm tại thành phố Hà Nội" của tác giả Bùi Văn Mật và các cộng sự thuộc Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội.

- Công trình "Thu nước ngọt lắng mặt mỏng trên sông Hương vào mùa hạn mặn" của tác giả Trương Công Nam và các cộng sự thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên-Huế.

- Công trình "Công nghệ xây dựng cầu bê-tông cốt thép dự ứng lực theo phương pháp đúc hẫng cân bằng- giải pháp về bảo vệ và phát triển bền vững môi trường" của tác giả Lê Văn Ký và các cộng sự thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải.

- Công trình "Khảo sát sự dịch chuyển của nước bơm ép khai thác dầu bằng đánh dấu đồng vị phóng xạ" của tác giả Nguyễn Hữu Quang và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng
(Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam)

Theo Nhân dân
  • 508