Virus cúm có thể "nhảy" xa tới 2 mét

  •  
  • 1.152

Nếu biết một người nào đó đang bị cúm, tốt nhất là bạn nên giữ khoảng cách xa xa một chút. Lí do là vì, các hạt mang virus cúm do người bệnh gieo rắc ra xung quanh qua ho, hắt xì hơi, … có khả năng lây lan ở khoảng cách xa tới gần 2 mét, theo một nghiên cứu mới.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu 94 người thăm khám ở bệnh viện vì các triệu chứng giống cúm trong mùa cúm 2010 - 2011. Trong khi bệnh nhân nằm trên giường, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu không khí ở trong phòng nhờ sử dụng các thiết bị được đặt cách mỗi bệnh nhân ở khoảng cách 0,3 mét, 0,9 mét và 1,8 mét.

Kết quả cho thấy, các hạt mang virus cúm có khả năng lây nhiễm đều hiện diện tại tất cả những vị trí kiểm tra.

“Các nhân viên y tế có thể phải tiếp xúc với lượng virus cúm đủ để gây bệnh ở khoảng cách xa tới hơn 1,8 mét tính từ người bệnh”, trích báo cáo nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí Journal of Infectious Diseases.

Khi ho hoặc hắt xì hơi, bệnh nhân cúm làm văng ra các  hạt mang virus cúm, có khả năng lây lan xa tới gần 2 mét.
Khi ho hoặc hắt xì hơi, bệnh nhân cúm làm văng ra các
hạt mang virus cúm, có khả năng lây lan xa tới gần 2 mét.

Chúng ta đã biết, cúm lây lan trong không khí, đặc biệt khi người bệnh ho hoặc hắt xì hơi. Tuy nhiên, các nhà khoa học từng không nắm rõ những thông tin chi tiết hơn về sự lây lan cúm, chẳng hạn như số lượng virus cúm một bệnh nhân có thể sản sinh và làm lan truyền trong không khí xung quanh anh ta/cô ta.

Theo tiến sĩ Werner Bischoff đến từ Trường Y Wake Forest ở Bắc Carolina, Mỹ và là người đứng đầu nghiên cứu mới, trước đây, người ta từng cho rằng, bệnh cúm lây lan chủ yếu thông qua các hạt hoặc giọt lớn trong không khí, di chuyển với khoảng cách ngắn từ 0,9 - 1,8 mét. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy, hầu hết virus cúm trú ngụ trong các hạt rất nhỏ trong không khí. Các hạt nhỏ hơn có khả năng di chuyển xa hơn các hạt lớn.

Do ông Bischoff và các cộng sự không xem xét các khoảng cách vượt quá 1,8 mét nên họ không thể nói liệu virus cúm có thể di chuyển xa hơn hay không.

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân cúm, các nhân viên y tế được khuyến nghị đeo khẩu trang khi tiến hành hoạt động thường quy và đeo máy thở khi tiến hành các thủ thuật có thể khiến bệnh nhân họ.

Nhóm nghiên cứu của ông Bischoff nhận thấy, khẩu trang không đủ để bảo vệ các nhân viên y tế vì họ vẫn có thể hít phải những hạt mang virus cúm tí hon. Họ cũng phát hiện, một số người bị cúm tỏ ra “nguy hiểm” hơn những người cùng cảnh ngộ. Cụ thể là, có tới 19% bệnh nhân cúm “xả” ra số lượng hạt mang virus cúm cao gấp 32 lần những người bị bệnh cúm khác.

Tiến sĩ Bischoff tuyên bố, cần phải có thêm nghiên cứu để khám phá những yếu tố giúp các bác sĩ nhận diện những người "xả" virus cúm nguy hiểm như trên, và do đó giúp chống lại sự lây lan bệnh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cách tốt nhất để tránh nhiễm cúm, dù bạn có tham gia lĩnh vực chăm sóc y tế hay không, là tiêm phòng cúm.

Theo Vietnamnet
  • 1.152