Virus sởi có thể chữa được ung thư?

  •  
  • 728

Các nhà nghiên cứu vừa hé lộ bằng chứng về một thử nghiệm lâm sàng đối với phương pháp chữa trị ung thư kiểu mới, bằng cách sử dụng lượng lớn virus sởi đã biến đổi đặc biệt.

Theo tạp chí Mayo Clinic Proceedings, các chuyên gia tại Trung tâm Y tế Mayo (Mỹ) đã biến đổi virus sởi sao cho nó trở nên độc hại có chọn lọc đối với các tế bào huyết tương bất thường (tế bào u tủy myeloma) và gọi đó là MV-NIS. Nhóm nghiên cứu sau đó đã tiêm một liều virus sởi MV-NIS duy nhất vào tĩnh mạch của 2 bệnh nhân bị cả ung thư tủy xương và protein u tủy myeloma.

Kết quả cho thấy, cả hai bệnh nhân đều phản ứng với liệu pháp điều trị. Họ đã thuyên giảm cả tình trạng ung thư tủy xương và protein u tủy. Đặc biệt, một bệnh nhân - cô Stacy Erholtz, 49 tuổi, đã đã dần thoát khỏi tình trạng u tủy và hết bệnh sau hơn 6 tháng.

Virus sởi có thể chữa được ung thư?
Virus sởi được biến đổi đặc biệt có thể đầu độc và tấn công các tế bào u tủy, nhưng vẫn "tha chết" cho những mô bình thường. (Ảnh: Alamy)

Chứng đa u tủy (multiple myeloma) là một dạng ung thư của các tế bào huyết tương trong tủy xương. Căn bệnh đã dẫn tới việc hình thành các khối u xương và u mô mềm. Dạng ung thư này thường hồi đáp với thuốc kích thích hệ miễn dịch, nhưng cuối cùng sẽ vượt qua chúng và hiếm khi được chữa khỏi.

Nhóm nghiên cứu tuyên bố, mặc dù mới ở giai đoạn thử nghiệm bước đầu, nhưng kết quả thu được cho thấy, liệu pháp điều trị bằng virus có thể hữu hiệu trong việc chống lại dạng ung thư đa u tủy nguy hiểm chết người. Virus sởi qua biến đổi đã chứng tỏ khả năng đầu độc và tiêu diệt các tế bào ung thư, trong khi "tha chết" cho những mô bình thường.

"Phương pháp bắt nguồn từ một quan niệm vô cùng đơn giản. Các virus đương nhiên thâm nhập cơ thể và phá hủy các mô", chuyên gia Stephen Russel, người dẫn đầu nghiên cứu, giải thích.

Chuyên gia Russel hy vọng, ý tưởng của ông và các cộng sự cuối cùng sẽ dẫn tới một phương pháp chữa bệnh hoàn toàn mới. Nhóm nghiên cứu hiện cũng đang thử nghiệm tính năng của virus sởi trong việc chống lại các bệnh ung thư buồng trứng, ung thư não, ung thư đầu - cổ và u trung biểu mô.

Các chuyên gia đang sản xuất thêm virus MV-NIS để chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 quy mô lớn hơn. Họ cũng muốn kiểm tra hiệu lực của liệu pháp điều trị bằng virus kết hợp với phương pháp xạ trị (iodine-131) trong một nghiên cứu trong tương lai.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
  • 728