VN sẽ phóng vệ tinh Vinasat vào quý II/2008

  •  
  • 58

Vinasat có công nghệ hiện đại và có độ bền tối đa 22 năm . Sẽ cho nước ngoài thuê bớt dung lượng của Vinasat.

Người dân huyện Mường La, Sơn La sẽ bắt được sóng xem truyền hình VN từ vệ tinh Vinasat thay vì phải sử dụng “chảo” Trung Quốc như hiện nay

Người dân huyện Mường La, Sơn La sẽ bắt được sóng xem truyền hình VN từ vệ tinh Vinasat thay vì phải sử dụng “chảo” Trung Quốc như hiện nay

Vào quý II/2008, khi dự án phóng vệ tinh viễn thông VN (Vinasat) thành công, ở VN sẽ không còn giới hạn việc cung cấp các dịch vụ viễn thông, phát thanh, truyền hình và các dịch vụ truyền dẫn khác”- ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án Vinasat – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT), cho biết như vậy.

Sẽ lên không trung đúng hẹn

Vệ tinh Vinasat có dung lượng 20 bộ phát-đáp trên băng tần C và Ku, trọng lượng khoảng 2.600 kg tại thời điểm phóng, được áp dụng công nghệ hiện đại nhất, tính đến thời điểm hiện nay và có tuổi thọ 15-22 năm. Vùng phủ sóng của Vinasat đối với băng tần C có Nhật Bản, Đông Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, khu vực ASEAN, châu Úc; băng tần Ku có Đông Dương, Biển Đông và các vùng lân cận, một phần Myanmar. Tổng đầu tư cho dự án xấp xỉ 230 triệu USD. Khi Vinasat vận hành, sẽ có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ băng rộng đến tất cả các nơi trên lãnh thổ và lãnh hải VN, nơi mà hiện nay các phương thức truyền dẫn khác chưa tới được.

Ông Thống cũng khẳng định, tiến độ của dự án như hiện nay đang triển khai thuận lợi, thời gian phóng vệ tinh gần như đã chắc chắn. Yêu cầu về thời gian hoàn thành dự án này rất nghiêm ngặt, vì theo thông lệ quốc tế, thời gian sử dụng quỹ đạo 1.320 Đông đến năm 2008 bắt buộc phải sử dụng. “Do vậy, bằng mọi giá phải phóng vệ tinh đúng kế hoạch” – ông Thống nói.

Hàng loạt dịch vụ công nghệ cao được cung cấp

Việc phóng vệ tinh Vinasat có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia và nâng cao an toàn cho mạng lưới viễn thông. Đồng thời thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội. Theo đó, hàng loạt các loại hình dịch vụ do vệ tinh Vinasat cung cấp như cho thuê dung lượng vệ tinh trên cơ sở trọn bộ phát-đáp, hoặc dung lượng lẻ; cung cấp các dịch vụ trọn gói như: VSAT, thoại, truyền hình, phát thanh ở vùng sâu, vùng xa, truyền số liệu, Internet, hội nghị truyền hình, đào tạo từ xa, y tế từ xa... Đồng thời, việc phóng vệ tinh còn khẳng định chủ quyền VN đối với quỹ đạo.

Trên lý thuyết, tất cả các dịch vụ cung cấp trên mạng di động và cố định đều có thể triển khai cung cấp qua vệ tinh. Tuy nhiên, băng thông cung cấp qua vệ tinh sẽ nhỏ hơn cáp quang nhiều. Vì vậy, một số dịch vụ có số thuê bao lớn sẽ không sử dụng được qua vệ tinh. Vệ tinh này sẽ chủ yếu cung cấp cho các thuê bao mà các dịch vụ mặt đất không vươn tới được. Có điểm đáng lưu ý khác, là không như mong đợi, các mạng điện thoại di động của VN sẽ có rất ít cơ hội sử dụng được hiệu quả “không biên giới” (phủ sóng toàn cầu) của vệ tinh vì giá thành rất cao. Theo ông Thống, ngay cả các nhà cung cấp mạng điện thoại di động nước ngoài đã thử nghiệm thành công cũng phải bỏ cuộc chỉ vì yếu tố chi phí. Và trên thực tế, VNPT đã từng xem xét đến việc này trước khi quyết định đầu tư vào mạng GSM (MobiFone và VinaPhone).

Khai thác tối đa công năng của Vinasat

Ông Thống cho hay, hiện nay VNPT đang thuê vệ tinh của Thái Lan để cung cấp dịch vụ Vsat IP Star đáp ứng các dịch vụ viễn thông hiện nay. Đến năm 2008, khi phóng vệ tinh Vinasat thì dịch vụ Vsat IP Star sẽ chuyển sang sử dụng “cây nhà lá vườn” để khai thác hiệu quả và chấm dứt việc thuê vệ tinh của Thái Lan. Tuy nhiên, hiện VNPT vẫn chưa có phương án kinh doanh cụ thể đối với vệ tinh Vinasat. Việc khai thác hiệu quả của Vinasat, VNPT đang thu thập nhu cầu của các ngành khác (an ninh, quân đội, các doanh nghiệp...), sau đó sẽ tính toán lưu lượng sử dụng trong nước để xem xét cho các nước trong khu vực thuê, tránh việc sử dụng vệ tinh lãng phí.

Việc IP (giao thức truyền tin trên mạng) hóa hệ thống viễn thông đang phát triển với tốc độ nhanh nên nhu cầu khai thác sức mạnh của vệ tinh sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. VNPT cho rằng cơ hội về hiệu quả đối với việc phóng vệ tinh Vinasat là có, nhưng thách thức cũng không nhỏ khi cạnh tranh với các nhà cung cấp khác. Khi đó VNPT sẽ phải tính toán các yếu tố như: công nghệ, giá thành...

Vinasat sẽ được phóng từ Guyana (thuộc Pháp)

Dự án phóng vệ tinh viễn thông VN (Vinasat) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-10-2005, với mục tiêu: Phóng một vệ tinh vào vị trí quỹ đạo 1.320 Đông đã đăng ký trên quỹ đạo địa tĩnh; xây lắp tại VN 2 trạm điều khiển vệ tinh. VNPT được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, thực hiện dự án dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia dự án Vinasat. Vinasat sẽ được phóng từ một bệ phóng tại Guyana (thuộc Pháp) lên quỹ đạo bằng tên lửa Ariane 5 của Arianespace (một bộ phận thương mại của Cơ quan Vũ trụ châu Âu).

Gói thầu số 3, quan trọng và giá trị nhất là “cung cấp vệ tinh, dịch vụ phóng, thiết bị trạm điều khiển vệ tinh” đã được tiến hành theo phương thức đấu thầu quốc tế. Tập đoàn Lockheed Martin Commercial Space Systems của Mỹ đã chính thức thắng thầu vào tháng 5-2006.

Bài và ảnh: Bảo Trân

Theo Người Lao động
  • 58