“Vũ khí” mới chống toàn cầu ấm lên

  •  
  • 301

Tại Hội nghị về khí hậu của LHQ đang diễn ra tại Bali (Indonesia), các nhà khoa học châu Á giới thiệu một loại “vũ khí” được cho sẽ rất hiệu nghiệm trong việc khắc chế quá trình ấm nóng toàn cầu. Đó là tảo biển. Loài thực vật này có khả năng hút khí carbon dioxide (CO2) độc hại ra khỏi bầu khí quyển sánh ngang hàng với các khu rừng nhiệt đới toàn cầu.

Chung Ik-kyo, nhà nghiên cứu môi trường Hàn Quốc cho rằng ngoài việc chú trọng tới vai trò lọc không khí của rừng xanh, thế giới nên quan tâm tới đại dương – nơi mỗi năm có thể cung cấp khoảng 8 triệu tấn tảo biển, trong đó 80% thuộc các vùng biển châu Á – Thái Bình Dương.

Một người dân Indonesia đang chăm sóc trại rong biển của mình ở Nusa Dua, Bali, Indonesia ngày 6-12 (Ảnh: AP)

Những người ủng hộ sáng kiến này cho rằng tảo biển là loài có tốc độ quang hợp – quá trình biến CO2 và ánh nắng thành năng lượng và ôxy – khá nhanh nên nó là ứng cử viên sáng giá về khả năng “bẫy” khí carbon trong không khí. Với tốc độ phát triển dài 3 đến 4 m chỉ trong vòng 3 tháng, một số loài tảo biển có khả năng hấp thu khí CO2 với hàm lượng nhiều gấp 5 lần so với thực vật trên cạn. “Chúng (tảo biển) là những hệ sinh thái hoạt động rất hiệu quả”, chuyên gia John Beardall đến từ ĐH Monash (Australia) nhận xét. Ngoài khả năng dự trữ carbon, tảo biển còn có thể được sử dụng trong quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường, vì thế đảm bảo khí CO2 không quay ngược trở lại khí quyển một khi được con người dùng làm thực phẩm.

Hiện nay Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu tiềm năng sử dụng tảo biển để đẩy lùi quá trình biến đổi khí hậu. Chính phủ Nhật Bản cùng một nhóm công ty đang điều nghiên dự án lập vùng trồng tảo biển qui mô lớn ở ngoài khơi bờ biên phía Tây nước này.

Tuy nhiên, một số người còn hoài nghi về tính khả thi của sáng kiến trên với lập luận rằng cây cối là giải pháp hiệu quả để “nhốt” CO2 bởi chúng có thể sống từ năm này qua tháng nọ trong khi quá trình trồng và thu hoạch tảo chỉ diễn ra trong vài tháng nên một khi chết đi, chúng sẽ giải phóng CO2 ngược trở lại khí quyển.

SONG NGỌC

Theo AP, Báo Cần Thơ
  • 301