Xây dựng chiến lược QG về bảo tồn đa dạng sinh học

  •  
  • 650
Tổng số loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa là 882 loài. Đặc biệt, có tới 9 loài động vật, 2 loài lan hài được cho là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Con số này được đưa ra tại hội nghị chuyên đề về đa dạng sinh học.

Giảm, ngày càng giảm

Theo GS Đăng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động Thực vật Việt Nam: Nếu trước những năm 1970, chim, bò sát như voi tê giác, hổ báo... có nhiều, thì nay ngay cả ở khu bảo tồn, vườn quốc gia cũng khó mà quan sát được các loài trên.

Trước đây thành phần loài động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam đã điều tra được là 21.125 loài (7750 loài côn trùng, 1.100 loài cá nước ngọt, 2.500 loài cá biển, 162 loài lưỡng ngư, 296 loài bò sát, 840 loài chim, 310 loài thú...). Thế nhưng, hiện nay chỉ riêng ĐVHD được ưu tiên cần bảo vệ đã lên tới 418 loài. Chỉ tính riêng từ năm 2000 - 2003 số lượng động vật hoang dã mà cơ quan chức năng tịch thu, xử lý do săn bắt, vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp trong toàn quốc là 311.686kg, và 90.565 cá thể sống.


Tác nhân từ hồ, đập, sinh vật ngoại lai...

Theo TS Phạm Anh Cường, phó cục trưởng Cục Bảo tồn Da dạng Sinh học: ĐDSH bị suy giảm là do khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, sự xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai, săn bắn trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), biến đổi khí hậu...

Phạm Quang Thu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ví dụ, các loài ngoại lai xâm hại rừng ở Việt Nam đã lên tới hơn 60 loài như cứt lợn, mâm xôi... Các loài này cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, lai giống với các loài bản địa dẫn đến suy giảm nguồn gen...

GS.TS Trương Quang Học, ĐHQG Hà Nội cũng đưa ra dẫn chứng khác về sự tác động của biến đổi khí hậu tới ĐDSH: Nhiệt độ tăng đã làm nhiều loài cây phải “thiên di”. Cụ thể ở Sa Pa, nhiều loài cây trên dãy Hoàng Liên Sơn đang phải sơ tán, lên cao hơn để tồn tại.

TS Lê Xuân Cảnh, Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật cho biết: Hiện nay có hàng nghìn công trình hồ chứa đập, trạm bơm tiêu, các kè hồ... Chúng tác động tới vùng sông hạ lưu rất lớn, làm thay đổi các kiểu nơi cư trú như vực sông - suối, ghềnh bãi cát chắn... Sự thay đổi này dẫn đến sự thay đổi cấu trúc thành phần loài thủy sinh, nhịp sống của thủy sinh vật. Nhiều loài thủy sinh vật, đặt biệt các loài có tập tính di cư dài, có tính di chuyển kết nối theo chiều dọc sông bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc thay đổi dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho các loài ngoại lai xâm nhập vào hệ sinh thái sông.
Theo Bee
  • 650