Xây nhà từ gáo dừa

  •  
  • 5.203

Sử dụng gáo dừa chế tạo bê tông nhẹ làm vật liệu xây nhà là giải pháp của Nguyễn Tấn Khoa (đang học ThS chuyên ngành xây dựng tại Đại học Sejong, Hàn Quốc).

Mới đây, ngôi nhà 48m2 xây dựng từ 4 tấn gáo dừa phế thải được khánh thành tại huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Từ gáo dừa đến bê tông

Tấn Khoa kể, khi còn đang theo học chuyên ngành xây dựng tại Đại học Bách khoa TPHCM, Khoa đã để ý thấy, trong công nghiệp chế biến dừa, nguồn phế thải gáo dừa rất lớn. Nhưng việc sử dụng gáo dừa (than hoạt tính, đồ thủ công mỹ nghệ) lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ vì công nghệ xử lý phức tạp, chi phí cao. Vì thế, một lượng lớn gáo thải ra môi trường vừa gây lãng phí vừa gây ô nhiễm. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, gáo dừa có những đặc tính (cứng, dẻo) phù hợp để chế tạo bê tông.

Ngôi nhà 48m2 được xây dựng từ các tấm bê tông nhẹ làm từ gáo dừa.
Ngôi nhà 48m2 được xây dựng từ các tấm bê tông nhẹ làm từ gáo dừa.

Nếu sử dụng gáo dừa làm bê tông thì sẽ giải quyết được nguồn phế thải từ công nghệ chế biến dừa vừa tạo ra được vật liệu cho xây dựng. Từ suy nghĩ này cộng thêm với những kiến thức về vật liệu xây dựng học ở trường, Khoa đã bắt tay ngay vào nghiên cứu.

Khoa cho hay, công việc này cũng khá gian nan: Đọc tài liệu, tính toán con số rồi các cuộc thử nghiệm. Cuối cùng, quy trình sản xuất bê tông từ gáo dừa cũng hoàn thành. Khoa giải thích, sau khi lựa chọn gáo dừa (gáo dừa khô, bề dày của gáo đạt từ 2,5 - 3mm), gáo sẽ được gọt sạch bỏ đi phần xơ. Bước tiếp theo là gia công gáo dừa bằng máy đập búa. Gáo dừa sẽ được đập nhỏ với kích thước 10mm. Những hạt có kích thước lớn hơn 10mm sẽ được cho vào máy đập lại.

Tác giả công trình Nguyễn Tấn Khoa (trái)
Tác giả công trình Nguyễn Tấn Khoa (trái)

Sau khi đập nhỏ gáo dừa được xử lý bằng dung dịch kiềm ở nhiệt độ cao nhằm đảm bảo độ bền cho bê tông. Bước quan trọng nhất trong toàn bộ công đoạn này chính là chế tạo bê tông. Các thành phần được dùng để chế tạo bê tông gồm xi măng đóng vai trò là chất kết dính, cát (tỉ lệ nhỏ), gáo dừa đã qua xử lý (thành phần lớn), nước và phụ gia. Các thành phần này sẽ được phối trộn theo tỷ lệ nhất định.

Kết quả cho thấy, từ gáo dừa có thể tạo ra được tấm tường bê tông có khối lượng thể tích 1.400 - 1.700kg/m3, cường độ chịu nén của bê tông đạt được từ 50 - 100kg/cm2 (tiêu chuẩn để làm tường là 30kg/cm2).

Đến ngôi nhà chống lũ

Tấn Khoa bật mí thêm, sau các nghiên cứu, Khoa có mang ý tưởng này dự thi cuộc thi ý tưởng Xanh do Bộ GD&ĐT, Tổng Cục Môi trường (Bộ TN&MT) Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức. Đoạt được giải nhì, Khoa nhận được số tiền 250.000 triệu đồng của ban tổ chức để hiện thực hóa ý tưởng.

Ngôi nhà này đã chứng minh được rằng, bê tông nhẹ từ gáo dừa hoàn toàn có thể sử dụng để xây nhà.
Ngôi nhà này đã chứng minh được rằng, bê tông nhẹ từ
gáo dừa hoàn toàn có thể sử dụng để xây nhà.

TS Phạm Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Bách khoa TPHCM, người giúp Khoa thực hiện tiếp dự án khi Khoa đi du học cho biết, ngày 14/9, với gần 4 tấn gáo dừa phế thải, một ngôi nhà 48m2 đã được xây tại huyện Mỏ Cày, Bến Tre.

Khác với việc xây nhà truyền thống, việc xây nhà bằng bê tông nhẹ này được thực hiện bằng cách dựng khung nhà bằng thép, sau đó sử dụng đinh để liên kết các khối bê tông nhẹ với khung thép. Cụ thể, ngôi nhà 48m2 này sử dụng hết 600 tấm nhẹ làm bằng gáo dừa (các tấm bê tông nhẹ này có 2 kích thước 40 x 60cm và 50 x 100cm).

Do sử dụng các tấm bê tông nhẹ ghép nối trên khung sắt, vì thế, ngôi nhà này hoàn toàn có thể lắp ghép dễ dàng và tháo dỡ một cách nhanh chóng.
Do sử dụng các tấm bê tông nhẹ ghép nối trên khung sắt, vì thế,
ngôi nhà này hoàn toàn có thể lắp ghép dễ dàng và tháo dỡ một cách nhanh chóng.

Từ nước ngoài, Tấn Khoa cho biết, ngôi nhà này đã chứng minh được rằng, bê tông nhẹ từ gáo dừa hoàn toàn có thể sử dụng để xây nhà. Việc xây nhà từ gáo dừa này sẽ như một mũi tên trúng nhiều đích. Thứ nhất là tận dụng nguyên liệu phế thải của địa phương trồng dừa. Thứ hai là giảm giá thành xây nhà (chi phí xây nhà bằng bê tông nhẹ này giảm được 20% so với xây nhà bằng phương pháp truyền thống).

Do sử dụng các tấm bê tông nhẹ ghép nối trên khung sắt, vì thế, ngôi nhà này hoàn toàn có thể lắp ghép dễ dàng và tháo dỡ một cách nhanh chóng. Những ngôi nhà kiểu này rất thích hợp để sử dụng tại các vùng lũ lụt. Ngoài ra, cũng có thể làm nhà kiểu này để làm nhà lưu trú cho công nhân, làm nhà tại các công trường xây dựng...

Theo Bee
  • 5.203